Thứ Tư | 23/07/2014 16:52

Indonesia và những thách thức kinh tế của Tân tổng thống

Lịch sử Indonesia dự kiến sẽ bước sang trang mới khi ông Joko Widodo vừa đắc cử chức Tổng thống.
Vào cuối thế kỷ trước, Indonesia là nước bị thiệt hại nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998. Khi đó, nền kinh tế này đã đứng bên bờ vực sụp đổ do các nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ rút vốn ồ ạt, khiến đồng rupiah rơi tự do so với USD, từ mức 2.600 rupiah/USD vào cuối năm 1997 xuống còn khoảng 17.000 rupiah/USD trong một vài tháng sau đó. Trong giai đoạn 1997-1998, kinh tế của quốc gia vạn đảo đã suy giảm tới 15%.

Tuy nhiên, nhờ các cuộc cải cách cơ cấu và chính sách kinh tế đúng đắn, “quốc gia vạn đảo” đã phục hồi một cách thần kỳ. Trong giai đoạn 2000-2010, Indonesia đạt tỷ lệ tăng trưởng bình quân 5,231%. Chỉ trong 14 năm, GDP của nước này đã tăng gần 10 lần, từ mức 105,469 tỷ USD năm 1998 lên 706,735 tỷ USD vào năm 2010 và hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2012.

Năm 2013, trong khi các nước đầu tàu kinh tế thế giới chao đảo trong khủng hoảng kinh tế, thì Indonesia vẫn tăng trưởng mạnh. Hiện tại, Indonesia là đích ngắm mới của các nhà đầu tư thế giới, đặc biệt là Pháp. Nhật báo Le Monde từng dành hồ sơ bàn về kinh tế Indonesia với dòng tựa đáng chú ý: “Indonesia, đại gia mới của Châu Á”.

Trong bài xã luận của mình, Le Monde đã ví sự tăng trưởng của nền kinh tế Indonesia như sự cất cánh của chim thần Garuda. Trong Ấn Độ giáo, Garuda là một con vật cưỡi của thần Vishnu, được biểu thị bằng một con chim săn mồi có đầu người, với ba mắt và mỏ đại bàng cùng đôi cánh thật to. Garuda cũng chính là biểu tượng chính thức của Indonesia. Theo Le Monde, Garuda là biểu trưng sự phát triển vượt bậc của Indonesia. Minh chứng cho sự phát triển đó là, nền kinh tế Indonesia vẫn đạt được nhiều thành tựu lạc quan với mức tăng trưởng GDP trong 3 năm qua hơn 6% hàng năm bất chấp những tác động do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Một góc cảnh thành phố Jakarta (Nguồn: Internet)
Một góc cảnh thành phố Jakarta (Nguồn: Internet)

Theo công bố ngày 6/5 vừa qua của Ngân hàng Thế giới (WB), Indonesia đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP), sau Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Nga, Brazil, Pháp và Anh. Tuy nhiên nếu tính tổng GDP, Indonesia chỉ đứng thứ 16 thế giới với 1.223 tỷ USD.

Quý I/2014, kinh tế Indonesia chỉ tăng trưởng 5,2%. Tuy nhiên, phát biểu tại buổi họp báo ngày 1/4, giám đốc quốc gia của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Indonesia, Adrian Ruthenberg dự báo, tăng trưởng kinh tế Indonesia sẽ giảm nhẹ xuống còn 5,7% trong năm 2014, nhưng sẽ tăng lên 6% trong năm 2015.

Với lợi thế là nền kinh tế lớn nhất trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Indonesia có thể vươn lên vị trí thứ 5 trên thế giới tính theo PPP vào năm 2020.

Vậy để đạt được mục tiêu này, Tân chính phủ mới sẽ phải đối mặt với những điều gì?

Tân tổng thống Indonesia vừa đắc cử ngày 22/7 (Nguồn: Internet)
Tân tổng thống Indonesia vừa đắc cử ngày 22/7 (Nguồn: Internet)

"Đại gia mới" của Đông Nam Á này có một số trở ngại khiến giới đầu tư e ngại. Nổi bật nhất là hạ tầng cơ sở - đường xá, bến cảng - cũng như các phương tiện chuyên chở - đường hàng không, đường thủy - rất yếu kém, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn.

Thiếu sót về mặt hạ tầng cơ sở này bắt nguồn từ hai yếu tố then chốt. Trước tiên hết là khả năng tài chính hạn hẹp so với một đất nước rất rộng bao gồm 17.000 hòn đảo lớn nhỏ, với một nhu cầu to lớn.

Nhưng một vấn nạn khác khiến Indonesia gặp khó khăn trong việc phát triển hạ tầng cơ sở của mình: Đó là tệ nạn hành chính, quan liêu, với hệ quả tất yếu là tham nhũng.

Một ví dụ thường được nhắc đến là công trình xây dựng đường tàu điện ngầm Jakarta hầu giảm nạn kẹt xe. Là một trong những thành phố thuộc diện đông dân nhất thế giới, vấn đề chuyên chở công cộng rất cần thiết, và ngay từ năm 1985, đề án metro Jakarta đã được đưa ra.

Tuy nhiên, công trình này đã liên tục bị trở ngại, và có lẽ mãi đến năm 2018 tới đây thì tuyến metro đầu tiên của Jakarta mới có thể đi vào hoạt động, tức là hơn 30 năm sau!

Thách thức thứ hai liên quan đến tình trạng chênh lệch giàu nghèo ngày càng sâu rộng. Tăng trưởng nhanh của Indonesia trong mấy năm qua đã cải thiện phần nào cuộc sống người dân, nhưng hưởng lợi nhiều lại là thành phần trung lưu đã giàu lên đáng kể.

WB từng cảnh báo rằng, Indonesia đang đối mặt với bẫy "thu nhập trung bình" khi chi tiêu của một nửa số người nghèo nhất không những không tăng, thậm chí còn giảm trong giai đoạn 2012-2013, so với mức tăng 4% của toàn bộ dân số và mức tăng trung bình 7% của nhóm 20% những người giàu nhất. Theo cơ quan thống kê quốc gia Indonesia (BPS), số người dân Indonesia sống dưới mức chuẩn nghèo của Chính phủ đã tăng nửa triệu người trong 6 tháng, tính đến tháng 9-2013, lên 28,55 triệu người, tương đương 11,5% tổng dân số.

Một khu ổ chuột tại Indonesia (Nguồn: Internet)
Một khu ổ chuột tại Indonesia (Nguồn: Internet)

Cải thiện bình đẳng thu nhập vẫn là thách thức lớn khi sự chênh lệch về thu nhập có thể làm cho nền kinh tế Indonesia nhạy cảm hơn với các cú sốc bên ngoài, theo nhận định WB.

Đối với giới phân tích, vấn đề công ăn việc làm cũng sẽ là một thách thức lớn đối với tân Tổng thống nước này. Lý do rất đơn giản: Tỷ lệ tăng trưởng bình quân 6% mỗi năm của Indonesia, tuy rất đáng khích lệ, nhưng không đủ để tạo thêm công ăn việc làm cho một dân số trẻ, đang trên đà tăng nhanh.

Liệu Indonesia có thể giữ vững "ngôi vị" nền kinh tế hàng đầu khối ASEAN, thậm chí, vươn lên trở thành nền kinh tế lớn nhất khu vực và sánh ngang với các nền kinh tế lớn trên thế giới hay không, điều này sẽ phụ thuộc rất lớn vào những nỗ lực tới đây của Tân tổng thống mới Joko Widodo - người vừa tuyên bố thắng cử trong ngày 22/7.

Nguồn Theo DVO/ Tổng hợp


Sự kiện