Indonesia tiến hành "cuộc cách mạng cam"
Chương trình được triển khai đầu năm 2013 mang tên "Cuộc cách mạng cam," do bộ doanh nghiệp nhà nước Indonesia (ISEM) phối hợp với viện nông nghiệp quốc gia Bogor (IPB) đề xuất và khởi động nhằm thúc đẩy sản xuất trái cây đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, tận dụng tối đa cơ hội kinh doanh và giảm bớt nhập khẩu.
Bộ trưởng ISEM, ông Dahlan Iskan, phát biểu tại lễ công bố chương trình cho biết các doanh nghiệp nhà nước cùng các trung tâm nghiên cứu khoa học của Indonesia, dẫn đầu là IPB, sẽ thực hiện chương trình này.
Trong giai đoạn đầu, các đồn điền chè không hiệu quả của công ty quốc doanh PT Perkebunan Nusantara sẽ chuyển sang trồng xoài, sầu riêng và măng cụt để xuất khẩu. Một số công ty lâm nghiệp nhà nước ở Tây Java được giao nhiệm vụ trồng 1.000 ha măng cụt và sầu riêng, 3.000 ha chuối và đu đủ, với cây giống do IPB cung cấp. Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu trong nước, một số công ty nhà nước đã bắt đầu trồng 5.000 cây mít tại Bắc Jakarta, dự kiến sẽ cho sản lượng 2,5 triệu quả mỗi năm.
“Cuộc cách mạng cam” sẽ được thực hiện ở các tỉnh Aceh, Bắc Sumatra, Tây Sumatra, Bengkulu, Jambi, Riau, Nam South Sumatra, Lampung, Tây Java, Đông Java và Trung Java.
Bộ trưởng Dahlan Iskan nhấn mạnh ngoài các mục tiêu kinh tế, “Cuộc cách mạng cam” sẽ góp phần đáng kể vào mục tiêu của Chính phủ Indonesia trồng mới 4 tỷ cây xanh vào năm 2020 và 9,2 tỷ cây xanh vào năm 2050, nhằm bảo vệ môi sinh và đối phó với biến đổi khí hậu.
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Pittsburgh hồi tháng 9/2009, Tổng thống Indonesia đã cam kết nước này sẽ cắt giảm 26% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020.
Indonesia là quê hương của 10% các loài thực vật trên thế giới, bao gồm khoảng 40.000 loài thực vật có hoa, trong đó có hơn 3.000 loài cây ăn quả. Ngoài xoài, sầu riêng và măng cụt, đất nước “Vạn đảo” này còn có nhiều loại trái cây nhiệt đới khác có tiềm năng xuất khẩu như bơ, dứa, chôm chôm, phật thủ, và hai loại quả đặc sản là dukus và salaks