Indonesia sắp hết thời bùng nổ kinh tế
Xu hướng gần đây hoàn toàn trái ngược với hồi đầu năm, khi nền kinh tế Indonesia tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 15 năm và trái phiếu chính phủ nước này được các công ty xếp hạng tín dụng đánh giá là đáng đầu tư.
Với tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển, tình hình chính trị ổn định và các nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn, quốc gia vạn đảo này đã trở thành một trong những thị trường mới nổi nóng nhất thế giới.
Tốc độ tăng trưởng của Indonesia trong năm ngoái và quý I năm nay là 6,5% khiến đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này tăng kỷ lục. Chỉ riêng năm 2011, Indonesia đã thu hút tới 20 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng so với 17 tỷ USD của năm 2010.
Tuy nhiên, những tháng gần đây thặng dư tài khoản thương mại của Indonesia đã đảo ngược thành thâm hụt, chủ yếu do giá than và giá các hàng hóa xuất khẩu khác của Indonesia giảm.
Theo các cơ quan nghiên cứu và dự báo của Indonesia, nếu tình trạng thâm hụt thương mại không được cải thiện thì năm 2012 đất nước với lịch sử lâu dài là một nhà xuất khẩu hàng hóa lớn này sẽ chỉ đạt thặng dư thương mại khoảng 5 tỷ USD, giảm mạnh so với mức 26 tỷ USD năm 2011.
Ngoài ra, các quyết định hạn chế từng bước và tiến tới cấm xuất khẩu khoáng sản, năng lượng của chính phủ, cũng như việc Ngân hàng trung ương Indonesia hạn chế sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng trong nước sẽ khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng Indonesia sẽ không mở cửa cho dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Michael Mata, đồng quản lý Quỹ trái phiếu toàn cầu trị giá 700 triệu USD cho biết "nhìn chung môi trường Indonesia không tốt để đầu tư" và cho biết thêm rằng quỹ của ông đã rút khỏi thị trường trái phiếu Indonesia từ cuối năm ngoái.
Edwin Gutierrez, nhà quản lý danh mục đầu tư 269 tỷ USD tại Aberdeen Asset Management ADN ở London cũng cho biết các động thái gần đây của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Indonesia nâng giá đồng rupiah và cấm xuất khẩu khoáng sản là "không thân thiện".
Quỹ đầu tư này cũng đã giảm cổ phần của họ ở Indonesia và quay sang các thị trường khác như Malaysia và Việt Nam, thậm chí cả Pakistan, ông Gutierrez cho biết thêm.
Theo ông Perry Kojodjojo, một nhà chiến lược ngoại hối tại ngân hàng HSBC ở Hong Kong, việc thay đổi chính sách sẽ khiến cho môi trường đầu tư trở nên "không chắc chắn" và các nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn trong việc rót tiền vào Indonesia.
Dù vậy, dịch vụ đầu tư Moody's hôm qua 16/7 vẫn duy trì xếp hạng đánh giá đáng đầu tư đối với Indonesia, do sự tăng trưởng mạnh mẽ, nợ chính phủ thấp hơn và "kỷ lục quản lý tài chính thận trọng". Tuy nhiên, theo Moody's. thất bại trong việc cắt giảm trợ cấp nhiên liệu đang đặt ra nguy cơ đối với cân đối tài chính và thương mại của Indonesia.
Nhìn chung, kinh tế Indonesia vẫn tăng trưởng tốt, phần lớn là do phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu sang châu Âu và các quốc gia phát triển khác tương đối thấp so với các nước láng giềng châu Á.
Thị trường tiêu thụ khổng lồ với 240 triệu dân đã giúp quốc gia này thoát khỏi những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tồi tệ nhất trong năm 2008. Một số nhà phân tích tin rằng Indonesia vẫn sẽ là nước thu hút đầu tư nhiều hơn so với các nền kinh tế khác nếu tình trạng suy thoái toàn cầu ngày càng tồi tệ.
Nguồn WSJ/DVT