Indonesia có thể thu hút dòng vốn từ 100 triệu đến 1 tỉ USD từ các văn phòng gia đình. Ảnh: SCMP.

 
Lam Ngọc Thứ Tư | 03/07/2024 17:45

Indonesia muốn trở thành trung tâm quản lý tài sản

Indonesia muốn thu hút giới siêu giàu bằng cách mở văn phòng gia đình tại Bali.

Indonesia đang đặt hy vọng vào việc trở thành trung tâm quản lý tài sản hàng đầu trong khu vực bằng cách mở các văn phòng gia đình hấp dẫn giới siêu giàu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để cạnh tranh với các đối thủ lớn như Singapore, quốc gia này cần phải xây dựng niềm tin và minh bạch trong hệ thống tài chính của mình.

Ông Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng Điều phối các Vấn đề Hàng hải và Đầu tư, cho biết rằng Bali, điểm đến nổi tiếng của Indonesia, có tiềm năng thu hút giới siêu giàu trong khu vực đang tìm kiếm các tổ chức quản lý tài sản. Ông cho biết, rất nhiều người giàu sẽ chọn Bali làm địa điểm đầu tư tiền của họ tại Indonesia. Ông cũng nhấn mạnh rằng Indonesia có thể thu hút dòng vốn từ 100 triệu đến 1 tỉ USD từ các văn phòng gia đình này, hỗ trợ cho việc quản lý tài sản và đầu tư của những cá nhân giàu có.

Theo ông Luhut, Tổng thống Joko Widodo đã đồng ý với kế hoạch mở văn phòng gia đình tại Bali. 

Khoảng 95% doanh nghiệp tại Indonesia thuộc sở hữu gia đình. Ảnh: SCMP.
Khoảng 95% doanh nghiệp tại Indonesia thuộc sở hữu gia đình. Ảnh: SCMP.

Bộ trưởng cấp cao này cũng cho biết tuần trước rằng, ông đã nhận được sự đồng ý từ Tổng thống sắp mãn nhiệm Joko Widodo, người đã đồng ý với kế hoạch mở văn phòng gia đình tại Bali. Tỉ lệ doanh nghiệp gia đình cao ở Indonesia tạo ra nhu cầu nội địa lớn đối với các dịch vụ văn phòng gia đình, từ thiện và kế hoạch kế thừa. Do đó, các văn phòng này cũng sẽ giúp các gia đình giàu có giữ tài sản của mình ở trong nước thay vì chuyển ra nước ngoài.

Báo cáo của Deloitte Indonesia vào năm 2019 ước tính có khoảng 95% doanh nghiệp tại Indonesia thuộc sở hữu gia đình.

Trong khi đó, theo một báo cáo của công ty tư vấn KPMG vào năm 2023, 9% trong số 20.000 văn phòng gia đình trên toàn thế giới nằm ở châu Á, và châu lục này cũng là nơi có số lượng tỉ phú cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, Indonesia sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ cả Singapore và Hong Kong. Hai trung tâm tài chính này đã cạnh tranh nhau trong nhiều năm qua để thu hút các nhà đầu tư giàu có, chủ yếu từ Trung Quốc đại lục. Số lượng văn phòng gia đình tại Singapore đã tăng từ 50 vào năm 2018 lên 1.400 vào cuối năm ngoái, theo Cơ quan Tiền tệ Singapore. Trong khi đó, báo cáo của Deloitte vào tháng 3 ước tính có hơn 2.700 văn phòng gia đình hoạt động tại Hong Kong tính đến cuối năm ngoái.

 

Các nhà phân tích cho rằng, Indonesia sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với hai trung tâm tài chính này, đặc biệt là khi Singapore và Hong Kong đã xây dựng được danh tiếng mạnh mẽ trong lĩnh vực quản lý tài sản trong vài thập kỷ qua. Ông Siwage Dharma Negara, Nghiên cứu viên cấp cao và đồng điều phối Chương trình Nghiên cứu Indonesia tại Viện ISEAS - Yusof Ishak ở Singapore, nhấn mạnh để cạnh tranh với Singapore hay Hong Kong trong lĩnh vực quản lý tài sản, Indonesia cần xây dựng niềm tin trong toàn hệ thống, đặc biệt liên quan đến quản trị và năng lực thể chế để bảo vệ nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Thế nhưng, các vấn đề liên quan đến năng lực thể chế và quản trị của Indonesia có thể ngăn cản các nhà đầu tư tương lai. Chẳng hạn như như cuộc tấn công mạng vào một trong những trung tâm dữ liệu quan trọng của quốc gia gần đây đã gây hủy hoại hệ thống nhập cư và làm gia tăng lo ngại về quyền riêng tư.

Bà Maisya Sabhira, Cố vấn kinh doanh và đầu tư tại công ty tư vấn thuế Tax Prime có trụ sở tại Jakarta, cho biết Singapore và Hong Kong được hưởng lợi từ sự ổn định chính trị tương đối, khung pháp lý mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng tài chính phát triển và hệ thống luật chung. “Trong khi Indonesia có tiềm năng do quy mô thị trường và tăng trưởng kinh tế, hiện nay nước này đang đối mặt với thách thức về sự rõ ràng trong quy định, hệ thống pháp lý phức tạp, khoảng cách cơ sở hạ tầng và nhận thức về quản trị và minh bạch”, bà Sabhira nói.

Bali cũng phải thay đổi sang một hệ thống luật chung để có thể thành lập các văn phòng gia đình. Hiện tại, hệ thống luật dân sự của nước này đang thiếu một cơ sở hạ tầng pháp lý cần thiết, đặc biệt là đối với các yêu cầu trọng tài quốc tế. Mặc dù ông Luhut nói Jakarta sẽ xem xét vấn đề này, nhưng các chuyên gia cho biết điều này sẽ đòi hỏi những thay đổi về thể chế và lập pháp đáng kể.

“Nền kinh tế lớn và vị trí chiến lược của Indonesia sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh nếu nước này có thể vượt qua các thách thức về quy định và cung cấp các ưu đãi thuế để thu hút giới siêu giàu. Indonesia có thể tận dụng các đặc điểm văn hóa và thiên nhiên độc đáo của Bali để đưa ra một đề xuất khác biệt so với các trung tâm tài chính khác”, Giáo sư Gatot Soepriyanto, Chuyên ngành kế toán Đại học Binus ở Bekasi, Indonesia, cho biết.

Có thể bạn quan tâm:

Nền kinh tế Đức đối mặt khủng hoảng dân số

Nguồn SCMP