Một nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ thực hiện các phương pháp thực hành với bệnh nhân COVID-19 ở ngoại ô Jakarta. Indonesia đã báo cáo hơn 23.000 ca tử vong vì virus. Ảnh: AP.
Indonesia dựa vào việc triển khai vaccine khi mất quyền kiểm soát đối với đại dịch
Theo Financial Times, các chuyên gia cảnh báo Indonesia đã “mất kiểm soát” đối với phản ứng trước virus Corona. Điều này làm phức tạp thêm kế hoạch triển khai hàng loạt vaccine Sinovac của Trung Quốc để đánh bại đại dịch ở quốc gia đông dân thứ 4 thế giới.
Quốc gia Đông Nam Á này đã và đang chiến đấu với một trong những đợt bùng phát COVID-19 “cứng đầu nhất” trong khu vực. Nguyên nhân là do việc khóa và truy tìm các trường hợp lây hiễm không hiệu quả.
Công nhân dỡ vaccine COVID-19 của Sinovac Biotech ở Jakarta, Indonesia, ngày 7.1. Ảnh: Bloomberg. |
Tuần trước, nước này đã phá vỡ kỷ lục số ca nhiễm mới hàng ngày của mình trong những ngày liên tiếp, lên đến đỉnh điểm với 10.617 ca nhiễm vào ngày 8.1. Đã có hơn 800.000 ca nhiễm được xác nhận và gần 24.000 ca tử vong ở Indonesia, mặc dù các chuyên gia tin rằng tổng số thực tế cao hơn nhiều.
Trong bối cảnh khó khăn này, chính phủ của Tổng thống Joko Widodo đang thực hiện kế hoạch tiêm chủng trong vòng 15 tháng, bắt đầu từ tuần này, cho 181,5 triệu người - 2/3 dân số sống trên hơn 10.000 hòn đảo.
Indonesia sẽ phụ thuộc rất nhiều vào CoronaVac do Trung Quốc sản xuất để tiêm chủng cho dân số của mình, với 3 triệu liều trong số 125 triệu liều đã được cung cấp và phân phối tại các cơ sở y tế trên khắp đất nước. Ông Joko Widodo đã tình nguyện trở thành người đầu tiên tiêm chủng trên truyền hình quốc gia vào ngày 6.1 trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy sự tuân thủ của cộng đồng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích và chuyên gia y tế cảnh báo rằng chính phủ hầu như chỉ dựa vào tiêm chủng để kiểm soát sự lây lân của virus.
Ông Evan Laksmana tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Jakarta cho biết: “Hầu hết các chuyên gia y tế sẽ nói với bạn rằng chúng tôi đã mất kiểm soát. Trong khi việc thực hiện các chương trình và quy trình tiêm chủng chưa được kiểm tra”.
Indonesia cũng đã đồng ý các thỏa thuận với các nhà cung cấp vaccine khác, bao gồm cả Pfizer và AstraZeneca. Nhưng Sinovac sẽ chiếm phần lớn số vaccine miễn phí hiện có.
Giáo sư dịch tễ học Pandu Riono tại Đại học Indonesia cho biết: chính quyền Joko Widodo quyết định chuyển sang dùng Sinovac mà không biết về tính an toàn hoặc hiệu quả của nó. Họ không công khai với công chúng”.
Theo ông Sulfikar Amir từ Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, nhóm chuyên gia về vaccine của Indonesia bao gồm “chủ yếu là các doanh nhân và chính trị gia, không phải các chuyên gia y tế”, làm dấy lên lo ngại rằng lợi ích thương mại được ưu tiên hơn an toàn.
Giáo sư Wiku Bakti Bawono Adisamito, phát ngôn viên của Lực lượng Đặc nhiệm Indonesia về COVID-19, phủ nhận việc chính phủ đã mất kiểm soát. Ông cho biết chính phủ Indonesia đang cải thiện khả năng theo dõi các ca nhiễm, bất chấp "những thách thức to lớn về địa lý và hậu cần".
Giáo sư nói thêm: “Tất cả điều này được thực hiện song song với việc chuẩn bị triển khai tiêm chủng. Đây là giai đoạn cuối cùng chờ cấp phép sử dụng khẩn cấp từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia”.
Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia vẫn chưa phê duyệt vaccine Sinovac và loại vaccine này cũng chưa được chứng nhận halal - một bước quan trọng để đất nước có người Hồi giáo nhiều nhất thế giới chấp nhận.
Bà Elina Ciptadi, đồng sáng lập Kawal COVID19, một trung tâm thông tin trực tuyến về virus Corona cho biết: đã có bằng chứng về tình cảm chống Trung Quốc và sự hoang mang trong công chúng. Tuy nhiên, những nghi ngờ về vaccine đã không chuyển thành một cuộc tẩy chay đối với Sinovac.
Các nhà phân tích mong đợi sự chấp thuận khẩn cấp sẽ được đưa ra sớm nhất là trong tuần này sau khi vaccine Sinovac được chứng minh hiệu quả 78% trong các thử nghiệm giai đoạn cuối ở Brazil, kết quả chính xác nhất về hiệu quả của nó.
Các chuyên gia cho biết, chính sách tập trung vào vaccine tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi hệ thống y tế phải gánh chịu gánh nặng của các ca bệnh gia tăng.
“Rõ ràng là khung thời gian 15 tháng đã được phát triển dưới áp lực của Tổng thống Jokowi. Hầu hết các chuyên gia tin rằng điều đó là không thực tế, ít nhất là không nếu tất cả các quy trình an toàn đều được tuân thủ”, ông Marcus Mietzner từ Đại học Quốc gia Úc cho biết.
Việc tập trung hoàn toàn vào vaccine thay vì các phương pháp ngăn chặn khác như truy tìm dấu vết tiếp xúc là “rất rủi ro” và có thể dẫn đến “nhiều ca tử vong không cần thiết”.
Có thể bạn quan tâm:
► Vụ tai nạn ở Indonesia: Những điều cần biết về máy bay Boeing