Khách hàng tại chợ truyền thống của Indonesia. Nguồn: theinsiderstories
Indonesia đang thâm hụt thương mại rất lớn
Năm 2018, Indonesia ghi nhận mức thâm hụt thương mại lớn nhất từ trước đến nay trong bối cảnh kinh tế phục hồi khiến nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh.
Cục Thống kê Quốc gia Indonesia ngày 15.1 thông báo thâm hụt thương mại của Indonesia năm 2018 ở mức 8,57 tỉ USD, sau khi thặng dư 11,84 tỉ USD năm 2017.
Kim ngạch xuất khẩu của Indonesia tăng từ 168,82 tỉ USD năm 2017 lên mức 180,06 tỉ USD năm 2018. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh hơn, từ 156,99 tỉ USD lên 188,63 tỉ USD.
Người đứng đầu Cục Thống kê quốc gia, ông Kecuk Suhariyanto cho biết nguyên nhân dẫn đến thâm hụt thương mại lớn năm 2018 là do thâm hụt trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt, với mức 12,4 tỉ USD. Trong khi đó, những lĩnh vực khác thặng dư 3,84 tỉ USD.
Chính phủ Indonesia đã cố gắng kìm hãm nhập khẩu, trong đó có biện pháp áp mức thuế nhập khẩu cao hơn đối với hơn 1.000 mặt hàng, quy định sử dụng bắt buộc nhiên liệu diesel sinh học nhằm giảm nhập khẩu dầu mỏ, và hoãn các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo số liệu được công bố cuối năm 2018 của công ty dữ liệu thị trường Refinitiv, thâm hụt thương mại của Indonesia đã chạm mức cao nhất trong 5 năm qua.
Nguyên nhân dẫn đến thâm hụt thương mại lớn năm 2018 là do thâm hụt trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt, với mức 12,4 tỉ USD. |
Số liệu cho thấy, Indonesia ghi nhận mức thâm hụt 2,05 tỉ USD trong tháng 11.2018, cao hơn nhiều so với con số đã được điều chỉnh ở mức 1,77 tỉ USD của tháng 10.2018 và cũng là mức thâm hụt thương mại lớn nhất kể từ tháng 7.2013.
Trong khi đó, một khảo sát trước đó của hãng tin Reuters dự đoán con số thâm hụt này chỉ ở mức 830 triệu USD.
Tháng 11.2018, kim ngạch xuất khẩu của Indonesia bất ngờ giảm 3,28% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 14,83 tỉ USD, mức tồi tệ nhất kể từ tháng 6.2017, chủ yếu do sự sụt giảm trong kim ngạch xuất khẩu một loạt mặt hàng như dầu thô, dầu cọ, mặt hàng trang sức, bột giấy và giấy.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 11.2018 lại tăng 11,68% so với cùng kỳ năm ngoái lên 16,88 tỉ USD, vượt cả mức tăng dự đoán 10,50% được đưa ra trong khảo sát của Reuters, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng gần 24% ghi nhận hồi tháng 10.2018 .
Trong những tháng gần đây, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đã phải vật lộn để kiềm chế hoạt động nhập khẩu. Indonesia đã áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế nhập khẩu như tăng thuế. Giới chức nước này còn đẩy nhanh việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường cho hàng xuất khẩu, nhằm giảm thâm hụt thương mại và hỗ trợ cho đồng rupiah.
Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) đã tăng lãi suất 6 lần kể từ tháng Năm với nỗ lực thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp nhằm cải thiện cán cân vãng lai đang ngày càng thâm hụt.
Chuyên gia kinh tế Fakhrul Fulvian, thuộc hãng Trimegah Sekuritas, nhận định mức thâm hụt thương mại lớn hơn dự đoán nói trên sẽ làm giảm khả năng cải thiện cán cân vãng lai trong quý IV, đồng thời cho rằng BI sẽ không thể nâng tiếp lãi suất vì cơ quan này đã làm việc đó trong tháng 11.2018.
Nền kinh tế dưới thời của ông Jokowi là một bức tranh với nhiều màu sắc khá trái ngược. Mặc dù nền kinh tế tăng trưởng ổn định ở mức khoảng 5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 7% mà ông đề ra khi ông nhậm chức. Tuy nhiên, lạm phát lại đang được kiểm soát rất tốt, chỉ đạt 3,2% trong tháng 7.2018, so với mức 8,4% vào tháng 12.2014, một vài tháng sau khi ông tuyên thệ nhậm chức và dự báo sẽ nằm trong khoảng 2,5% - 4,5% trong năm 2019.