Indonesia công bố một loạt chính sách tăng trưởng mới
Vào ngày hôm qua 9/9, Tổng thống Indonesia là ông Joko Widodo đã cho biết sẽ áp dụng một loạt các biện pháp quan trọng, bao gồm chính sách mới để thu hút các nhà đầu tư. Chính phủ Indonesia cũng sẽ đưa ra các động thái mới để tăng giá đồng rupiah, và tăng cường các chương trình hỗ trợ người nghèo.
Ông Widodo cho biết sẽ ban hành các quy định mới theo xu hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp và cắt giảm các “quy định không mấy liên quan” vốn đang cản trở khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp mũi nhọn của Indonesia. Điều này góp phần cho phép các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh nhanh hơn. Bên cạnh đó, chính phủ đưa ra quyết định giảm một nửa lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ, và đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở cho những người có thu nhập thấp.
Ông cũng nhấn mạnh việc cải cách lần này sẽ nhấn mạnh đến các chương trình hỗ trợ người nghèo. Theo đó, chính phủ sẽ cung cấp công nghệ nhiên liệu giá rẻ cho các ngư dân, tài trợ nguồn vốn cho các khu vực nông thôn và hỗ trợ người dân mua gạo giá rẻ.
Về chính sách tiền tệ, thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) là ông Agus Martowardojo cho biết sắp tới BI sẽ áp dụng nhiều biện pháp hơn nữa để hỗ trợ cho đồng rupiah, duy trì niềm tin trên thị trường ngoại hối bằng cách kiểm soát sự biến động của đồng nội tệ.
Ông Widodo cũng cam kết sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho giới trẻ bằng cách bắt đầu thực hiện một loạt các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và thúc đẩy các ngành sản xuất trong thời gian tới.
Trước đó ông Widodo cũng đã thực hiện một số cải cách để thúc đẩy niềm tin của người dân về khả năng điều hành nền kinh tế của mình. Điển hình là việc ông cho thay thế một số bộ trưởng nắm giữ các vị trí chủ chốt hồi tháng 8 vừa qua, và mới đây nhất là chính sách cắt giảm thuế cho một số ngành công nghiệp hồi đầu tháng này.
Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của Indonesia đang ngày một trượt dốc. Tốc độ tăng trưởng trong quý II của nước này ở mức 4,7%, đạt mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua. Việc thực hiện các biện pháp kích cầu là thực sự cần thiết cho Indonesia trước bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng tăng lãi suất trong tháng này, cũng như việc Trung Quốc vừa phá giá đồng NDT và gây nên một cuộc chiến tranh tiền tệ ở các nước châu Á.
Đinh Hạnh