Thứ Ba | 04/12/2012 15:29

Indonesia có nguy cơ mất ngôi vị điểm nóng đầu tư của châu Á

Nhiều người lo ngại việc nhiều tỉnh thành quyết định tăng lương tối thiểu trong năm 2013 có thể khiến Indonesia mất ngôi vị điểm đầu tư hấp dẫn nhất châu Á.
Trong những năm qua, Indonesia nổi lên như một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của châu Á khi thu hút được lượng đầu tư kỷ lục, một phần nhờ lực lượng lao động lớn và giá rẻ. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á đang triển khai kế hoạch tăng lương gấp đôi trong năm tới, điều đó làm dấy lên câu hỏi - vị thế là điểm nóng đầu tư nước ngoài của Indonesia đang bị đe dọa?

Sau các cuộc biểu tình liên tiếp trong tháng 11, thị trưởng thành phố Jakarta đã quyết định tạo nên một sự thay đổi lớn trong việc thương lượng với những người lao động, đó là nhất trí tăng 44% lương tối thiểu hàng tháng lên 230 USD vào năm 2013.

Trước đó, khoảng 6 tỉnh thành khác của Indonesia cũng nhất trí tăng 26% lương tối thiểu cho người lao động trong năm tới, cao hơn đáng kể so với mức tăng trung bình 10% trong năm nay. Dự kiến nhiều tỉnh thành khác của Indonesia cũng sẽ sớm đồng ý tăng lương cho người lao động.

Việc chính quyền các địa phương bất ngờ đồng loạt chấp nhận tăng lương người lao động đã khiến nhiều chủ doanh nghiệp hoàn toàn bất ngờ và không kịp trở tay. Mới đây, hai nhóm vận động hành lang lớn nhất của các doanh nghiệp đã kêu gọi chính quyền Jakarta xem xét lại quyết định tăng lương.

Nhà quản lý nhà máy sản xuất sợi tổng hợp tại Bandungm, ông Rishi, cho biết: "Mức lương thường được tăng dựa trên cơ sở lạm phát - một trong những yếu tố trong kế hoạch tài chính của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đột ngột tăng 25% cho người lao động sẽ làm tăng chi phí của nhiều công ty". Ông Rishi cũng lưu ý rằng giá cả của nhiều sản phẩm được định giá dựa trên thị trường toàn cầu, do đó tăng lương sẽ buộc các doanh nghiệp phải tăng giá sản phẩm để bù đắp thiếu hụt, gây thiệt hại cho người mua.

Mức lương cao không chỉ khiến lợi nhuận kinh doanh giảm, mà còn làm giảm lợi thế thu hút đầu tư của Indonesia so với các quốc gia châu Á khác. Mặc dù vậy, các nhà kinh tế khẳng định chi phí lao động tăng sẽ không ảnh hưởng tới đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Indonesia.

Trong quý III năm nay, FDI vào Indonesia tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt kỷ lục 5,9 tỷ USD.

Nhà kinh tế Indonesia làm việc tại Citigroup, ông Helmi Arman, cho biết: "Đối với sản xuất, việc tăng lương chắc chắn sẽ không dừng lại. Hiện mức lương tối thiểu giữa các vùng tại Indonesia vẫn có nhiều khác biệt". Chẳng hạn, các khu vực như Bắc Sumatra dự kiến sẽ nâng mức lương tối thiểu lên 135 USD trong năm 2014.

Đối với các ngành công nghiệp thâm dụng vốn như luyện kim, ô tô và hóa học - đóng góp một phần rất lớn trong tăng trưởng FDI của Indonesia, ông Arman cho rằng chi phí lao động trung bình chỉ chiếm 3% chi phí sản xuất sản phẩm, do đó sẽ không ngăn cản các nhà đầu tư tiếp tục đổ tiền vào Indonesia.

Nhà kinh tế tại HSBC, bà Lim Su Sian, cũng cho biết việc tăng lương sẽ là một lợi ích để thu hút FDI, đặc biệt trong lĩnh vực tiêu thụ.

"Có nhiều nguyên nhân khiến Indonesia thu hút được nhiều FDI hơn so với các khu vực khác của châu Á, chứ không đơn thuần vì lao động giá rẻ. Với dân số 240 triệu người, Indonesia rõ ràng là một thị trường quan trọng. Thu nhập tăng nhờ lương tối thiểu tăng sẽ làm tăng sức hấp dẫn của Indonesia", bà Sian khẳng định.

Một trong những minh chứng về việc tăng lương sẽ giúp tăng sức hút đầu tư chính là Thái Lan. Trong tháng 4 năm nay, việc nâng lương tối thiểu từ 36-40% đã giúp tăng đáng kể sức tiêu dùng cá nhân của Thái Lan.

Bên cạnh đó, Indonesia không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực chịu áp lực tăng lương. Mới đây, Malaysia tuyên bố sẽ cho tăng lương tối thiểu trong năm 2013, trong khi Việt Nam cũng chuẩn bị tăng từ 25-30% lương tối thiểu cho khu vực tư nhân trong năm tới.

Mặc dù đang tăng, song nhìn chung mức lương lao động trung bình của các nước như Indonesia vẫn thấp hơn rất nhiều so với Trung Quốc - trung tâm sản xuất của thế giới. Ước tính, mức lương trung bình tại các khu vực ven biển của Trung Quốc cao hơn 60% so với Jakarta.

Nguồn CNBC/Khampha


Sự kiện