Indonesia - công xưởng mới của thế giới
Từ khi lên nắm chính quyền vào năm 2004, tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã trải thảm đỏ mời đón những nhà đầu tư mới đến. Năm 2006, chính phủ đưa ra một kế hoạch lớn bao gồm giảm thời gian thành lập công ty, hợp lý hóa thủ tục hải quan, thành lập "7 hòn đảo tuyệt vời", tức các khu miễn thuế mô phỏng theo mô hình những đặc khu kinh tế của Trung Quốc.
"Trong một vài lĩnh vực sẽ có thêm một số biện pháp miễn thuế phụ trội, chẳng hạn như ngành tinh chế, hóa dầu hay thiết bị viễn thông" - một người biết rõ Indonesia cho biết.
"Indonesia đã chứng tỏ sức đề kháng trong thời kỳ khủng hoảng thế giới. Và giờ đây chúng tôi ngày càng tiếp đón nhiều công ty hơn" - giám đốc Cơ quan kêu gọi đầu tư nước ngoài Muhamad Chatib Basri cho biết. Đầu tư nước ngoài trong năm 2012 sẽ đạt 25 tỷ USD (tăng 24%) và sẽ đạt 33 tỷ USD vào năm 2014.
Cả chính quyền địa phương lẫn các nhà đầu tư nước ngoài đều không muốn thừa nhận, nhưng một trong các yếu tố lôi cuốn của Indonesia là mức lương thấp, khoảng 110 euro/tháng. Do vậy trong lĩnh vực dệt may, lương theo giờ chỉ là 1,08 USD, chỉ bằng một nửa ở Trung Quốc và thấp hơn ở Pháp 30 lần.
Mùa hè vừa qua, giám đốc Terry Gou của tập đoàn gia công điện tử Foxconn (Đài Loan) cho biết sẽ mở một xưởng máy khổng lồ với quy mô 1 triệu công nhân tại tỉnh Banten ở miền Tây Java. Ông hứa sẽ đầu tư 8 tỷ euro trong 10 năm tại đây để sản xuất điện thoại và máy tính bảng cho hãng Apple.
Nhưng đối với nhiều công ty lớn, mục tiêu không chỉ là chiếm lĩnh thị trường thế giới mà còn nhắm đến tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở Indonesia với thu nhập hơn 3.000 USD/năm. Từ nay đến năm 2030, tầng lớp này có thể chiếm đến 1/3 dân số Indonesia, tức 130 triệu người. Thời gian có vẻ quá dài để có thể đưa ra dự đoán chính xác nhưng viễn cảnh đó vẫn thu hút các công ty đa quốc gia vốn luôn tìm kiếm những nguồn tăng trưởng mới.
Vào ngày 7/11 vừa qua, công ty mỹ phẩm hàng đầu thế giới Hãng L'Oréal đã khai trương nhà máy lớn nhất của hãng trong khu công nghiệp Jababeka cách thủ đô 50km, sử dụng 450 lao động trên diện tích 66.000m2. Mục tiêu của hãng là thu hút giới tiêu thụ địa phương, và trên nữa là lượng khách hàng mới nổi ở Đông Nam Á, con số sẽ chiếm 70% sản lượng của nhà máy.
Trong cuộc chạy đua tìm vàng đó, ai đến trước sẽ chiến thắng, và người ta không thể đếm nổi số các công ty đa quốc gia mới đến như Mercedes, Siemens, Glaxo Smith Kline. Hãng Ikea cũng sắp mở cửa tại phía tây Jakarta. Mới đây, Toyota tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỷ euro trong vòng 5 năm, tạo ra 9.000 việc làm và mua 150ha đất để xây nhà máy.
Trong lĩnh vực năng lượng, Hãng GDF Suez, hoạt động trong ngành địa nhiệt, vừa ký hợp đồng với công ty điện lực Indonesia để cung cấp điện năng từ một nhà máy điện tại tỉnh Nam Sumatra. Còn hãng Eramet vừa xây dựng một nhà máy chế biến nickel và cobalt tại Weda Bay ở miền đông nước này.
Ngoại trừ số công ty đã có mặt từ nhiều năm qua, từ lâu các xí nghiệp của Pháp không mặn mà với Indonesia vì quá xa, quá phức tạp. "Người Pháp khởi động khá chậm. Nhưng giờ đây họ đã hiểu tiềm năng của quần đảo này" - Alain-Pierre Mignon, chủ tịch Phòng thương mại Pháp-Indonesia, nhận xét. Từ nay đến cuối năm 2012 sẽ có 50 công ty mở văn phòng hay nhà máy sản xuất tại đây. Công ty nông thực phẩm Danone đã quyết định mở thêm 7 nhà máy sản xuất nước khoáng Aqua ngoài 16 nhà máy đang hoạt động.
Tuy nhiên, bài học về cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997 hủy hoại Indonesia vẫn còn đó. Nhiều xí nghiệp nước ngoài đã cuốn gói ra đi cũng nhanh như lúc mới đến. Hiện nay, thị trường nay vẫn còn một số trở ngại. Nạn tham nhũng, nền hành chính không thực sự hiệu quả và nhất là cơ cấu hạ tầng không xứng tầm với một đất nước và thị trường như vậy. Sự gia tăng các xung đột xã hội trong những tháng qua cũng cho thấy những mối lo ngại mới.
Nguồn An ninh thế giới