IMF: Nhiều nước châu Á sẽ "già trước khi giàu"
Tình trạng dân số già hóa nhanh chóng đồng nghĩa với việc châu Á - khu vực có lực lượng lao động lớn nhất thế giới - sẽ mất đi hàng trăm triệu nhân công, theo báo cáo triển vọng thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
IMF đưa ra lời cảnh báo rằng, sự đảo ngược của cái gọi là "lợi tức dân số" (demographic dividend) sẽ làm ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu và bao gồm cả châu Á, khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Tỷ lệ tăng dân số sẽ giảm xuống mức 0% tại châu Á vào năm 2050, và tỷ lệ này thậm chí đã xuống mức âm tại Nhật Bản. Tỷ lệ dân số ở độ tuổi lao động cũng đã đạt đỉnh, IMF ước tính. Theo dự kiến, tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ cao gấp 2,5 lần so với hiện tại vào năm 2050, và thậm chí còn cao hơn nữa ở vùng Đông Á.
"Tốc độ già hóa đặc biệt tại châu Á đáng chú ý khi so với châu Âu và Mỹ", IMF nói. Thu nhập bình quân đầu người ở châu Á so với Mỹ hiện vẫn thấp hơn nhiều khi so sánh với các nền kinh tế tiên tiến khác trong quá khứ.
Dân số khu vực châu Á Thái Bình Dương tiếp tục già đi, nhất là tại Nhật Bản. Nguồn: Bloomberg |
"Các nước châu Á sẽ có ít thời gian hơn để có các chính sách thích ứng với một xã hội già hóa, so với nhiều nền kinh tế tiên tiến khác", quỹ này cho biết. "Như vậy, một phần của châu Á có nguy cơ già đi trước khi trở nên giàu có".
Đối với tăng trưởng kinh tế, quá trình giá hóa dân số có thể lấy mất 1 điểm phần trăm tăng trưởng hằng năm trong vòng ba thập kỷ tới tại Nhật Bản, và khoảng 0,5-0,75 điểm phần trăm tại Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc và Thái Lan. Trong khi vẫn còn một số điểm sáng như Ấn Độ và Indonesia, tình trạng dân số già hóa có thể sẽ lấy đi 0,1 điểm phần trăm tăng trưởng toàn cầu hằng năm trong ba thập kỷ tới, IMF ước lượng.
Điều này cũng đồng nghĩa châu Á có nguy cơ rơi vào tình trạng trì trệ nếu lực lượng dân số già hướng đến việc tiết kiệm quá mức và ít đầu tư, khiến các chính sách tiền tệ sẽ kém hiệu quả. Sự thay đổi dân số cũng có thể sẽ tạo áp lực làm lãi suất thực giảm và lợi nhuận tài sản cũng sẽ giảm tại nhiều nước châu Á lớn.
"Thích ứng với giai đoạn già hóa dân số có thể là một thách thức lớn của châu Á, bởi tại nhiều nước có dân số già đi nhanh chóng, nhiều người dân vẫn có mức thu nhập bình quân đầu người tương đối thấp", IMF nói.
Trung Quốc và Thái Lan ngày càng phụ thuộc vào dân số già. Nguồn: Bloomberg |
Đã tới lúc phải cải cách
Việc cải cách luật về thị trường lao động và hệ thống hưu trí là một trong những thay đổi cần thiết để hạn chế tác động tiêu cực. Mở cửa cho người nhập cư cũng có thể trở thành một phương án hữu ích.
Già hóa dân số không phải là thách thức duy nhất mà châu Á phải đối mặt. Việc tìm ra cách gia tăng năng suất cũng khá quan trọng nhằm tránh làn sóng đầu tư giảm, tăng trưởng ngày càng bị chi phối bởi ngành dịch vụ, và ảnh hưởng của thương mại nước ngoài.
Trong khi ảnh hưởng của năng suất giảm có tác động khác nhau ở các nước châu Á (có tác động nhiều nhất ở các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc), việc đảo ngược xu hướng này cần được đặt lên hàng đầu. Tăng cường tự do hóa thương mại và chi tiêu hiệu quả hơn trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển là những mục tiêu cần phải làm, IMF cho biết.
Bên cạnh đó, theo IMF thì việc thực hiện cải cách để củng cố các nguồn tăng trưởng năng suất trong nước cần được đánh giá cao trong chương trình nghị sự chính sách ở Châu Á.
Trường Văn
Nguồn Bloomberg