Trung tâm tài chính và Cảng Victoria ở Hồng Kông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
IMF: Nền kinh tế toàn cầu đang rất "khập khiễng"
Theo Reuters, vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc và khu vực đồng euro, đồng thời cho biết tăng trưởng toàn cầu nói chung vẫn ở mức thấp và không đồng đều bất chấp “sức mạnh vượt trội” của nền kinh tế Mỹ.
IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu vào năm 2023 ở mức 3% trong Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) mới nhất, nhưng cắt giảm dự báo năm 2024 0,1% xuống 2,9% so với dự báo tháng 7. Sản lượng toàn cầu tăng 3,5% vào năm 2022.
Nhà kinh tế của IMF, Pierre-Olivier Gourinchas, cho biết nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi sau đại dịch COVID-19, cuộc chiến tại Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng năm ngoái, nhưng xu hướng tăng trưởng ngày càng khác nhau trên toàn cầu và triển vọng tăng trưởng trung hạn vẫn chưa rõ ràng.
Ông Gourinchas cho biết, các dự báo nhìn chung báo hiệu một cuộc "hạ cánh mềm", nhưng IMF vẫn lo ngại về những rủi ro liên quan đến cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc, giá cả hàng hóa biến động, sự phân mảnh địa chính trị và lạm phát gia tăng trở lại.
Trong lúc các quan chức tài chính từ 190 quốc gia tập trung tại Marrakech để dự các cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới, cuộc xung đột vũ trang giữa Israel và Palestine đã xảy ra. Nhưng biến số này chưa được cập nhật trong triển vọng hàng quý của IMF, vốn đã được chốt vào ngày 26/9 vừa qua.
Ông Gourinchas cho rằng, còn quá sớm để đo lường được sự leo thang trong cuộc xung đột kéo dài này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu như thế nào.
Triển vọng trung hạn cũng không khá hơn. IMF dự kiến mức tăng trưởng 3,1% vào năm 2028, thấp hơn nhiều so với dự báo 5 năm 4,9% mà tổ chức này đưa ra trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Lạm phát tiếp tục giảm trên toàn cầu do giá năng lượng giảm và giá lương thực giảm, nhưng ít hơn. Lạm phát sẽ giảm xuống mức trung bình hàng năm là 6,9% vào năm 2023, từ 8,7% vào năm 2022 và xuống còn 5,8% vào năm 2024.
Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, đang giảm dần và sẽ xuống 6,3% vào năm 2023, từ mức 6,4% vào năm 2022 và xuống 5,3% vào năm 2024, do thị trường lao động vẫn còn thắt chặt và các dịch vụ còn khó khăn hơn mong đợi, IMF cho biết.
Thị trường lao động nhìn chung khá sôi động và tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp lịch sử ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến, nhưng không có nhiều bằng chứng cho thấy vòng xoáy giá - tiền lương có thể gây ra đợt lạm phát giá thứ 2, ngay cả khi có một cuộc đình công lớn của công nhân ngành ô tô Mỹ.
IMF cho biết sự không chắc chắn đã giảm đi đáng kể từ khi dự báo tháng 4 được công bố, nhưng vẫn còn nhiều rủi ro tiêu cực hơn là rủi ro tăng giá cho năm 2024. Khả năng tăng trưởng giảm xuống dưới 2%, vốn chỉ xảy ra 5 lần kể từ năm 1970, hiện ở mức 15%, so với 25% trong tháng 4
IMF lưu ý rằng, đầu tư đều thấp hơn so với trước đại dịch, trong đó các doanh nghiệp ít mong muốn mở rộng và chấp nhận rủi ro hơn trong bối cảnh lãi suất tăng, ngừng hỗ trợ tài chính và các điều kiện cho vay khắt khe hơn.
Có thể bạn quan tâm:
Kho bãi và văn phòng Nhật "cháy hàng" bởi nhà đầu tư nước ngoài
Nguồn Reuters