IMF: Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm nhưng chắc
Ví dụ, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khá thất vọng do chính phủ thắt chặt các chính sách để hạn chế tăng trưởng tín dụng và biến động trên thị trường nhà đất. Tăng trưởng kinh tế tại các thị trường mới nổi khác cũng chậm lại do xuất khẩu giảm và đầu tư yếu.
Báo cáo cập nhật WEO dự báo, tăng trưởng toàn cầu sẽ phục hồi nhờ những trở ngại tạm thời lu mờ dần và chính sách hỗ trợ kinh tế hiện nay đã có nền tảng vững chắc. Ví dụ, ở Trung Quốc, chính phủ đã triển khai các biện pháp kích thích nhỏ nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Cụ thể, dự đoán tăng trưởng tại các nền kinh tế tiên tiến đạt 1,8% trong năm 2014 từ 1,3% năm 2013 và sẽ tăng lên 2,4% năm 2015. Mỹ sẽ tăng trưởng trung bình 1,7% năm 2014 và 3% năm 2015 do kinh tế quý I suy giảm quá mạnh.
Trong khi đó, triển vọng đối với khu vực đồng euro gần như không đổi so với báo cáo WEO hồi tháng 4, và vẫn không có sự đồng đều giữa các nền kinh tế thành viên. Những khó khăn về tài chính và bảng cân đối kế toán cùng với tỷ lệ thất nghiệp cao sẽ dẫn tới tăng trưởng chậm lại tại một số nền kinh tế.
Đối với khối các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển, kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng chậm hơn từ 4,7% năm 2013 xuống 4,6% năm 2014 nhưng sau đó lại tăng lên 5,2% năm 2015 nhờ xuất khẩu phát triển mạnh mẽ.
Cụ thể, kinh tế Trung Quốc năm 2014 dự báo sẽ tăng trưởng trung bình 7,4% nhờ chính phủ gần đây đã triển khai một số biện pháp thúc đẩy nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, tăng trưởng sẽ chậm lại còn 7,1% năm 2015 khi kinh tế chuyển sang hướng tăng trưởng cân bằng hơn.
Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị leo thang đã khiến nhu cầu trong nước của Nga giảm mạnh trong quý I/2014, kéo giảm tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2014-2015.
IMF đã đưa ra một số rủi ro khiến quỹ phải hạ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đầu tiên là rủi ro từ căng thẳng địa chính trị đang bùng nổ trên toàn thế giới, từ Đông Âu đến Trung Đông, Đông Nam Á với diễn biến rất phức tạp. Bên cạnh đó, biến động thị trường tài chính tăng lên cùng với tình trạng đảo chiều dòng vốn và rủi ro lan rộng, khiến niềm tin đầu tư giảm mạnh.
Ngoài ra, IMF cũng đề cập tới rủi ro từ thực trạng kinh tế tăng trưởng chậm chạp trong thời gian do nhu cầu tại các nền kinh tế tiên tiến suy giảm, từ hậu quả của việc thắt chặt điều kiện trên thị trường tài chính tại các nước mới nổi và từ sự suy yếu trong đầu tư.
Trong bối cảnh đó, IMF kêu gọi các chính phủ tăng cường chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ.
Đối với các nền kinh tế tiên tiến lớn, IMF cho rằng, chính phủ cần phải giữ vững lập trường về chính sách tiền tệ kết hợp với bình thường hóa chính sách dần dần. Các nước cần phải giữ cân bằng giữa trong việc điều chỉnh tài chính hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn và trung hạn. Thậm chí, chính phủ các nước phải hoàn thành cải cách định chế tài chính và phát triển bộ công cụ vĩ mô nhằm hạn chế rủi ro bất ổn tài chính.
Đối với khối thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, mặc dù có nhiều ưu tiên khác nhau nhưng Báo cáo cập nhật của IMF khuyến khích một số biện pháp như cho phép tỷ giá hối đoái điều chỉnh theo cú sốc tài chính bên ngoài nhằm hạn chế khả năng bị tổn thương do yếu tố ngoại lực. Một số nước cần phải kiềm chế sự mất cân bằng tài chính và áp lực lạm phát.
Ngoài ra, nhiều nền kinh tế cần phải thực hiện cải cách cơ cấu để thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng.
Nguồn Theo DVO/ IMF