Thứ Tư | 09/04/2014 07:30

IMF: Kinh tế toàn cầu 2014 sẽ phục hồi mạnh mẽ, trên diện rộng

Động lực tăng trưởng toàn cầu không chỉ đến từ các nước mới nổi mà sẽ còn mở rộng ra các nước phát triển như Anh, Mỹ và các nước Nam Âu.
Báo cáo "Triển vọng kinh tế toàn cầu" của IMF nhận định lạc quan về tốc độ cũng như phạm vi hồi phục của nền kinh tế thế giới trong năm nay - Ảnh: Financial Times.
Hồi phục mạnh mẽ hơn

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế thế giới đã đạt được trong năm 2013 sẽ tiếp tục được củng cố hơn nữa trong năm 2014.

Theo báo cáo mùa xuân về "Triển vọng kinh tế toàn cầu" vừa được IMF công bố hôm qua 8/4, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của các nền kinh tế trên thế giới sẽ tăng 3,6% trong năm 2014 và 3,9% trong năm 2015 (sau khi đã tăng 3% trong năm 2013).

Trong báo cáo trước được công bố ngày 8/10/2013, IMF nhận định tốc độ phục hồi tăng trưởng chủ yếu sẽ đến từ các nền kinh tế phát triển với tốc độ tăng GDP lần lượt đạt 1,3% trong năm 2013 và dự báo đạt 2,2% trong năm 2014.

Bên cạnh đó, GDP của các nền kinh tế mới nổi mặc dù chiếm 2/3 tăng trưởng toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục tăng nhưng với tốc độ chậm hơn so với trước khủng hoảng, lần lượt trong hai năm 2013 và 2014 là 4,7% và 4,9%.

Tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc dự báo tăng 7,5% trong năm 2014 (giảm so với 7,7% đạt được trong năm 2013). GDP của nền kinh tế Ấn Độ sau khi tăng 4,4% trong năm 2013 được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng cao hơn, đạt 5,4% trong năm nay.

Trên diện rộng hơn

Lần đầu tiên trong hai năm qua, các nước Nam Âu thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể đạt tăng trưởng dương trở lại, ngay cả khi tỷ lệ tăng còn thấp.

Olivier Blanchard - cố vấn kinh tế của IMF nhận định: "Sự phục hồi đã bắt đầu xuất hiện từ tháng 10 (năm 2013), đang trở nên không chỉ mạnh mẽ hơn mà còn rộng hơn". Những động lực kìm hãm tăng trưởng đang trở nên yếu đi. Tốc độ tăng gánh nặng ngân sách giảm dần và nhà đầu tư bớt lo lắng hơn vào mức độ chịu đựng của các Chính phủ trong vấn đề nợ. Các ngân hàng được cải thiện tốt hơn. Mặc dù còn xa mới đạt đến sự phục hồi hoàn toàn và đầy đủ, nhưng những chính sách tiền tệ đang được bình thường hóa và theo sát tình hình thực tế hơn.

Tuy nhiên, sự phục hồi lại diễn ra không đồng đều. Tăng trưởng kinh tế tốt lên từ nửa cuối năm 2013 tại các nền kinh tế phát triển chủ yếu đến từ sự đóng góp của Mỹ với tốc độ tăng trưởng bất ngờ đạt 3,25% trong nửa cuối năm 2013.

Mỹ vẫn sẽ là động lực tăng trưởng toàn cầu trong năm 2014.
Mỹ vẫn sẽ là động lực tăng trưởng toàn cầu trong năm 2014.

Dự báo năm 2014, nền kinh tế số một thế giới sẽ tăng trưởng 2,8%, cao hơn xu hướng dài hạn chủ yếu nhờ áp lực ngân sách ít căng thẳng hơn và khủng hoảng bất động sản đã chấm dứt.

Anh dẫn đầu về tỷ lệ tăng trưởng trong số các nền kinh tế hàng đầu thế giới, đồng thời là nước có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất năm 2014 trong nhóm G7 với dự báo tăng trưởng đạt 2,9% trong năm 2014 và 2,5% trong năm 2015. Nền kinh tế Đức được dự báo tăng trưởng đạt 1,7% năm 2014; 1,6% năm 2015, cao hơn hẳn so với Pháp với tăng trưởng lần lượt là 1% và 1,5% trong hai năm 2014 và 2015.

Lần đầu tiên trong hai năm qua, các nước Nam Âu thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể đạt tăng trưởng dương trở lại, ngay cả khi tỷ lệ tăng còn thấp. GDP của các nền kinh tế thuộc khu vực Eurozone được dự báo sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm nay và 1,5% trong năm 2015.

Gafin2
Anh được dự báo sẽ dẫn đầu nhóm G7 về tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2014.

Những rủi ro phía trước

Tuy nhiên, một số nguy cơ chính đến từ tăng trưởng thấp và giảm phát. Tỷ lệ lạm phát của Eurozone đã thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu thấp hơn nhưng gần 2% do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra. Cụ thể, trong tháng 3 tỷ lệ lạm phát năm tại khu vực Eurozone chỉ tăng 0,5% so với tháng trước đó. Do vậy, IMF đưa ra khuyến nghị đối với ECB, nên đưa ra những chính sách đột phá hơn (không theo quy ước) để giải quyết tình trạng lạm phát thấp đang diễn ra từ nhiều tháng nay.

Ngược lại, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi lại được khuyến nghị nên theo đuổi chính sách thông thường theo quy luật. Mặc dù vẫn tăng trưởng mạnh mẽ nhưng IMF nhận định, đây sẽ là khu vực tăng trưởng thấp hơn so với thời gian trước khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra năm 2008.

Những rủi ro đã giảm bớt nhưng không phải tất cả đã biến mất mà ngược lại, một số rủi ro lại đang nổi lên và tiêu biểu là rủi ro địa chính trị. Mặt khác, mức tăng trưởng tiềm năng tại các nền kinh tế phát triển rất thấp và có vẻ đang giảm đối với các nền kinh tế mới nổi.

Ngoài ra, một số xáo trộn trên thị trường tài chính thế giới như đã từng diễn ra vào mùa hè năm 2013 hay tháng 1 năm 2014 thường liên quan đến những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Mỹ. Đây cũng là loại rủi ro không thể loại trừ đối với sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Dẫu vậy, đây vẫn là bản dự báo triển vọng kinh tế lạc quan nhất của IMF từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, theo đánh giá của Financial Times.

Nguồn Dân Việt/FT, IMF


Sự kiện