Thứ Tư | 23/10/2013 20:13

IMF khuyến cáo Nhật không nên dùng chính sách tiền tệ làm xương sống cho nền kinh tế

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) kêu gọi Nhật Bản thực hiện cải cách triệt để để vực dậy nền kinh tế, thay vì chỉ dựa vào các chính sách tiền tệ.

Kể từ khi thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhậm chức tháng 12 năm ngoái, cả giá đồng yên và lợi tức trái phiếu chính phủ đều giảm xuống, phần lớn là bởi sự can thiệp sâu của chính phủ và ngân hàng trung ương Nhật đến khung chính sách tiền tệ của nền kinh tế.

Song với việc mua trái phiếu chính phủ hiện tại của ngân hàng trung ương Nhật ở tốc độ nhanh hơn khả năng phát hành của chính phủ, các nhà kinh tế học của tổ chức tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo rằng kế hoạch của ông Abe vực dậy nền kinh tế qua chính sách tiền tệ có thể gặp rào cản nếu chính phủ không thực hiện các biện pháp cải cách cơ bản.

"Không có những tăng trưởng thể hiện tham vọng và cải cách tài khóa, ngân hàng trung ương Nhật có thể phải đối mặt với những khó khăn để duy trì các tỷ lệ dài hạn ổn định. Chỉ riêng chính sách tiền tệ không đủ để đối mặt với rủi ro tài chính tiềm tàng", IMF nhận định.

Trong khi ngân sách công cùng với chỉ số tiêu dùng cá nhân là những yếu tố chính trong các số liệu về GDP, thì các dữ liệu cơ bản phản ánh những yếu tố vận hành nền kinh tế sẽ vẽ nên một bức tranh khác.

IMF đã kêu gọi cải cách triệt để với định hướng thị trường để kích thích nền kinh tế trì trệ lâu ngày của Nhật Bản. Xóa bỏ đi những quy định trong ngành nông nghiệp,khuyến khích đầu tư nước ngoài, tăng tính linh động trong lao động và nới lỏng quy định nhập cư là những gợi ý của IMF đối với Nhật Bản.

Ông Abe đã hứa sẽ thực hiện cải cách mạnh mẽ, gọi những cải cách táo bạo là "mũi tên thứ ba" của chính sách Abenomics sau mũi tên thứ nhất nới lỏng tiền tệ và mũi tên thứ hai kích thích tài khóa. Song những chương trình được thông báo gần đây có vẻ xa rời với đề xuất mà IMF và cộng đồng kinh doanh đưa ra.

IMF cảnh báo rằng việc triển khai không toàn diện những cải cách ở Nhật có thể dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm hơn, hậu quả là cần phải kích thích tài khóa mạnh hơn để lấp những lổ hổng đầu ra và đẩy mạnh lạm phát trong ngắn hạn, từ đó dẫn đến tình hình tài chính tệ hơn, vốn đã tệ nhất so với các nước phát triển khác.

Trước viễn cảnh thực hiện chính sách không toàn diện, nợ công Nhật được dự báo tăng 310% trên GDP, từ mức 240% hiện nay. Ngược lại, nếu thực hiện cải cách thành công Nhật sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nhu cầu chi ngân sách, và giữ mức nợ ở mức khoảng 250% trên GDP vào trung hạn.

"Cần phải thực hiện thành công chính sách Abenomics để giữ mức lãi suất dài hạn thấp và ổn định ở mức tương đương với tỷ lệ tăng trưởng GDP danh nghĩa", IMF đưa ra nhận định.

Nguồn Dân Việt/WSJ


Sự kiện