IMF hối thúc Mỹ nâng mức trần nợ công để giảm rủi ro
Ông Rice nhấn mạnh điều mà nền kinh tế Mỹ cần hiện nay là "tránh một cú sốc về niềm tin" do tranh cãi kéo dài xung quanh vấn đề nợ công.
Mặc dù năm nay cần ngân sách để bù đắp khoản thâm hụt hơn 500 tỷ USD, nhưng Bộ Tài chính Mỹ sẽ không thể tăng mức trần nợ vì ngày 7/2 là thời hạn chót Quốc hội áp đặt để thương lượng về vấn đề này.
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã nhiều lần yêu cầu quốc hội tăng mức trần nợ, đồng thời cảnh báo rằng vào cuối tháng Hai này Bộ Tài chính sẽ buộc phải từ bỏ nghĩa vụ thanh toán, bao gồm cả các khoản nợ. Tuy nhiên, các nghị sỹ đảng Cộng hòa vẫn đang gia tăng sức ép về vấn đề này tại nghị trường khi đưa ra một số điều kiện mới đối với việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ.
Ngày 3/2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew hối thúc quốc hội nhanh chóng nâng mức trần nợ, nhấn mạnh đến ngày 7/2 nếu quốc hội không nâng mức trần nợ thì Bộ Tài chính sẽ phải thực hiện các "biện pháp đặc biệt" để tránh khả năng nước Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ lần đầu tiên.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành tài chính Mỹ, các "biện pháp đặc biệt" chỉ có thể duy trì hoạt động cho chính phủ cùng lắm đến cuối tháng Hai.
Ông Lew cho rằng việc trì hoãn nâng mức trần nợ của quốc hội chỉ làm rối loạn nền kinh tế, gây bất ổn thị trường tài chính và ảnh hưởng trực tiếp đến người nộp thuế.
Trong 3 năm qua, chính trường Mỹ đã xảy ra nhiều bất đồng xung quanh vấn đề nâng trần nợ. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, số tiền thanh khoản của chính phủ đã tăng nhiều so với trước. Số nợ hiện nay của Chính phủ Mỹ đang ở mức 17.300 tỷ USD.
Mức trần nợ là tổng số tiền mà quốc hội cho phép chính phủ liên bang vay mượn để chi trả các khoản tiền an sinh xã hội, trợ cấp y tế, trả lương cho quân nhân, hoàn thuế và các khoản chi trả khác. Việc quốc hội không nâng trần nợ có thể sẽ đẩy chính phủ vào cảnh vỡ nợ vì không còn tiền mặt hoạt động, dẫn đến tình trạng rối loạn tài chính, thậm chí rơi vào vòng suy thoái kinh tế mới./.
Nguồn Vietnamplus