Thứ Ba | 20/01/2015 13:32

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015-2016

Đây là lần hạ dự báo mạnh nhất trong 3 năm qua của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Trong báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế toàn cầu (WEO) mới công bố, IMF mạnh tay hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 từ 3,8% xuống còn 3,5% và trong năm 2016, từ 4% xuống 3,7%. IMF cho biết, kỳ vọng đối với hầu hết các nền kinh tế, trừ Mỹ, đều giảm thấp bất chấp những lợi ích mà đà trượt dốc của dầu thô mang lại.

Cụ thể IMF dự báo, các nền kinh tế tiên tiến sẽ tăng trưởng 2,4% trong cả 2 năm 2015 và 2016 với xu hướng tăng trưởng khác biệt rõ rệt giữa Mỹ và châu Âu, Nhật Bản.

Năm 2015, kinh tế Mỹ dự báo tăng trưởng 3,6%, chủ yếu nhờ nhu cầu nội địa tăng mạnh, thu nhập thực tế và niềm tin tiêu dùng của người dân cải thiện hơn khi giá dầu giảm thấp. Chính sách tiền tệ được điều tiết hợp lý cũng hỗ trợ rất lớn cho đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ.

Ngược lại, triển vọng kinh tế khu vực Eurozone ngày càng u ám hơn do môi trường đầu tư suy yếu. IMF hạ dự báo tăng trưởng của Eurozone xuống còn 1,2% trong năm nay bất chấp những lợi ích từ đà lao dốc của giá dầu, chính sách tiền tệ nới lỏng, lập trường chính sách tài trung lập và tình trạng suy yếu của euro.

Cùng chung số phận với Eurozone là Nhật Bản - quốc gia bất ngờ rơi vào suy thoái trong quý III/2014. Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2015 của Nhật Bản bị hạ xuống 0,6%.

Đối với khối thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, tốc độ tăng trưởng GDP dự báo vẫn ổn định ở 4,3% trong năm 2015 và tăng lên 4,7% trong năm tiếp theo. Hai số liệu này đều thấp hơn so với dự báo trước đó của IMF hồi tháng 10/2014.

Có 3 yếu tố chính khiến triển vọng tăng trưởng của khối thị trường này giảm sút. Đầu tiên là tình hình tăng trưởng trì trệ của kinh tế Trung Quốc. IMF dự báo, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ tăng trưởng dưới 7% trong năm 2015 do hoạt động đầu tư tiếp tục suy yếu. Thứ hai là kinh tế Nga đang lao đao vì giá dầu và đòn trừng phạt của phương Tây. Triển vọng kinh tế Nga thậm chí còn u ám hơn Trung Quốc khi GDP nước này dự báo sẽ giảm 3% trong năm 2015.

Ngoài ra, IMF cũng hạ kỳ vọng lạm phát tại các nền kinh tế phát triển xuống còn 1% trong năm nay. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát của các nền kinh tế đang phát triển sẽ tăng 0,1 điểm % lên 5,7% trong cùng kỳ.

Theo IMF, một số biến động gần đây đã khiến tình hình kinh tế thế giới hoàn toàn thay đổi so với thời điểm quỹ công bố bản WEO tháng 10/2014. Tuy nhiên, những yếu tố mới có khả năng hỗ trợ tăng trưởng như, đà lao dốc của giá dầu hay tình trạng suy yếu euro và yên, lại không thể bù đắp cho những yếu tố tiêu cực, gồm cả những hậu quả còn sót lại từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 và tiềm năng tăng trưởng tại nhiều nước giảm sút.

Giám đốc nghiên cứu và cố vấn kinh tế Olivier Blanchard tại IMF nhận định, những yếu tố này tạo nên bức tranh kinh tế khá phức tạp tại mỗi quốc gia. Nói cách khác, giá dầu giảm có thể là tin tốt đối với nước nhập khẩu dầu và hàng hóa nhưng lại là tin xấu với nước xuất khẩu các mặt hàng này. Tương tự, yên và euro suy yếu có thể là tin tốt đối với Nhật Bản hay khu vực Eurozone nhưng sẽ là tin xấu đối với những nước phụ thuộc nhiều vào USD.

Trong báo cáo WEO, IMF cũng đưa ra một số rủi ro đối với kinh tế toàn cầu trong quá trình phục hồi sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Theo IMF, 3 rủi ro lớn nhất hiện nay là diễn biến bất thường của giá dầu, tình hình lạm phát thấp tại nhiều khu vực và căng thẳng địa chính trị.

Theo IMF, để đối phó với những rủi ro này, tất cả các chính phủ cần đẩy mạnh cải cách cơ cấu bất chấp sự khác biệt về những ưu tiên trong chính sách vĩ mô.

Nguồn DVO/IMF