Ảnh: AFP | Getty Images.
IMF: Đồng USD đang được định giá cao hơn mức hợp lý
►Kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại
►IMF: Nợ xấu của các ngân hàng Châu Á đang gia tăng mạnh
Theo CNBC, ngày 17/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho biết, đồng USD đang được định giá quá cao hơn mức hợp lý từ 6% đến 12%, dựa trên các nền tảng kinh tế ngắn hạn. Trong khi đó, đồng Euro, đồng Yên Nhật Bản và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc được coi là phù hợp với những nền tảng kinh tế (fundamentals) của các nước này.
IMF đã không đồng tình với Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc ông sử dụng thuế quan để giải quyết thâm hụt thương mại. Tuy nhiên, nhận định của IMF rằng đồng USD được định giá quá cao có thể sẽ làm ông Trump tin rằng đồng USD đang cản trở xuất khẩu của Mỹ.
Tổng thống Trump đã lên tiếng chỉ trích các chính sách của châu Âu và Trung Quốc, vì cho rằng chính sách của họ đã làm suy yếu đồng Euro và các loại tiền tệ khác trong tương quan so sánh với đồng USD.
Báo cáo External Sector Report của IMF - một đánh giá hàng năm về tiền tệ, thặng dư và thâm hụt thương mại của các nền kinh tế lớn - cho thấy, hiện tại thặng dư tài khoản vãng lai vẫn tập trung ở khu vực đồng Euro và các nền kinh tế phát triển khác như Singapore, trong khi thâm hụt vẫn được duy trì ở Mỹ, Anh và một số nền kinh tế thị trường mới nổi.
Báo cáo cho biết vị thế chủ nợ ròng (net creditor positions) đã tăng trở lại, và hiện đang ở mức cao nhất trong lịch sử khoảng 20% GDP toàn cầu, gấp khoảng 4 lần vị thế chủ nợ ròng trong những năm 1990. Vị thế con nợ ròng (net debtor positions) vẫn được giữ nguyên.
IMF đã cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 455 tỷ USD vào năm tới. Việc các nền kinh tế lớn áp thuế quan lên hàng hóa của nhau đang tạo áp lực tiêu cực lên dòng chảy thương mại toàn cầu, làm xói mòn niềm tin và làm gián đoạn đầu tư. Tuy nhiên, cho đến nay, những hành động đó đã không thể đảo ngược sự mất cân bằng thương mại hiện tại.
Thay vì áp thuế quan qua lại lẫn nhau, các nước có thặng dư và thâm hụt nên nỗ lực thúc đẩy tự do hóa và tăng cường hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc đã tồn tại trong 75 năm qua, IMF nhận định.
Tỷ giá đồng USD đang được định giá cao hơn giá trị hợp lý? Ảnh: Reuters |
IMF nói rằng rủi ro tài chính ngắn hạn nhìn chung đã được kiểm soát vì các nước có vị thế nợ ròng tập trung ở các nền kinh tế phát hành đồng tiền dự trữ (Mỹ, Nhật…). Nhưng rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu là vẫn hiện hữu.
“Căng thẳng thương mại leo thang cùng với những xáo trộn từ Brexit, cùng với sự suy yếu của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác phụ thuộc nhiều thị trường và tài trợ từ bên ngoài”, IMF nhận định.
Trong trung hạn, căng thẳng thương mại có thể diễn biến xấu hơn, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc cũng như nền kinh tế toàn cầu nói chung.
Các nước có thâm hụt thương mại như Mỹ và Anh nên cắt giảm chi tiêu sao cho không gây ảnh hưởng đến tăng trưởng, trong khi những nước có thặng dư lớn, như Đức, Hà Lan và Hàn Quốc, nên tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng và không nên tiết kiệm quá mức.
Mặc dù báo cáo đánh giá định giá đồng Euro là phù hợp, nhưng tỷ giá hối đoái thực sự của Eur đang rẻ hơn 8% đến 18% so với điều kiện kinh tế của nước Đức, do thặng dư tài khoản vãng lai cao.
Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng được đánh giá là có tỷ giá phù hợp với nền tảng kinh tế Trung Quốc. Song các mô hình của IMF cho rằng tỷ giá Nhân dân tệ hiện nay có thể thấp hơn 11,5% hoặc cao hơn 8,5% giá trị thực do những triển vọng chính sách khó đoán trước của Bắc Kinh.