IMF: Động lực kinh tế mới từ chính sách táo bạo
Kinh tế toàn cầu hiện đang trong giai đoạn bước ngoặt, nhưng mức tăng trưởng hiện tại cùng với thị trường việc làm vẫn chưa thực sự khả quan.
Bà Lagarde nhận định, thế giới cần đặt mục tiêu cao hơn và nỗ lực hơn nữa. Hay nói cách khác, các chính sách táo bạo sẽ tạo nên động lực mới giúp kinh tế thế giới vượt qua thời kỳ bấp bênh hiện nay.
Hội nghị thường niên giữa IMF và WB thường sẽ có khoảng 10.000 quan chức ngân hàng, bộ trưởng tài chính, giám đốc doanh nghiệp và các chuyên gia tới tham dự để thảo luận về những vấn đề toàn cầu như, triển vọng kinh tế thế giới, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế và các giải pháp hỗ trợ hiệu quả.
Tăng trưởng yếu ớt, tốc độ phục hồi chậm chạp
Bà Lagarde chia sẻ, 6 năm sau khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục cho thấy những dấu hiệu suy yếu và nếu "may mắn" có thể tăng trưởng nhẹ vào năm sau. Trong số các nền kinh tế phát triển, Mỹ có thể sẽ là nước phục hồi mạnh mẽ nhất, Nhật Bản sẽ phục hồi ở mức trung bình và châu Âu sẽ là khu vực tăng trưởng yếu nhất.
Ngoài ra, khối các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, dự báo sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy hoạt động kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của khối này có thể sẽ chậm lại so với trước đây.
Với những nước đang phát triển có thu nhập thấp, như châu Phi cận Sahara, triển vọng kinh tế cải thiện hơn nhưng mức nợ tại một số nước vẫn liên tục tăng mạnh. Triển vọng kinh tế của Trung Đông có phần u ám ơn khi gặp phải những khó khăn trong quá trình chuyển đổi kinh tế và căng thẳng địa chính trị - xã hội.
Kinh tế toàn cầu vốn đã "mắc kẹt" với bộ máy tăng trưởng ì ạch trong một thời gian dài, theo nhận định của giám đốc IMF. Kinh tế toàn cầu có nguy cơ tăng trưởng chậm hơn nữa nếu hoạt động đầu tư và tiêu dùng tiếp tục suy yếu. Nói cách khác, hai yếu tố này sẽ là trở ngại lớn đối với quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu, đặc biệt tại các nước phát triển đang chật vật với tình trạng tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong khi lạm phát xuống thấp.
Bà Lagarde cũng bày tỏ lo ngại về những vấn đề trong lĩnh vực tài chính, như định giá tài sản lên cao chưa từng thấy trong khi biến động lại giảm thấp kỷ lục, đặc biệt ở những nền kinh tế phát triển.
Ngoài ra, một số vấn đề toàn cầu đáng lo ngại hiện nay là lĩnh vực tài chính "ngầm" (shadow), căng thẳng địa chính trị tại Ukraine, Trung Đông và dịch bệnh Ebola.
Động lực mới
Đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng trên, bà Lagarde khẳng định, kinh tế thế giới hoặc sẽ tiếp tục tăng trưởng trì trệ hoặc sẽ tăng tốc mạnh mẽ hơn với những chính sách táo bạo.
Chính sách tiền tệ vốn là yếu tố hỗ trợ quan trọng cho nền kinh tế trong suốt thời kỳ khủng hoảng. Tuy nhiên, để thúc đẩy kinh tế đi lên, chính sách tiền tệ cần phải kết hợp và được hỗ trợ từ các yếu tố khác, như chính sách tài chính (giải quyết tệ nạn trốn thuế, hỗ trợ đầu tư công, cắt giảm thuế thu nhập), cải cách cơ cấu (để nâng cao năng suất sản xuất, tính cạnh tranh, tạo việc làm,...) và chủ trương thúc đẩy đầu tư công vào xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên tại nhiều nền kinh tế phát triển, những chính sách này chỉ có thể phát huy tác dụng nếu dòng tín dụng được cải thiện. Bà Lagarde cho biết, cần phải có cơ chế giúp các ngân hàng và lĩnh vực tư nhân giải quyết hiệu quả gánh nặng nợ nần. Như vậy, dòng tín dụng sẽ trở lại và giúp nền kinh tế tăng trưởng nhịp nhàng hơn.
Làm thế nào để kích thích kinh tế toàn cầu tăng trưởng?
Giám đốc IMF cho biết, việc này cần sự nỗ lực từ nhiều phía cũng như từ cả IMF. Đây có thể hiểu là lý do tổ chức Hội nghị thường niên của Nhóm G-20 và IMF.
Nguồn Theo DVO/ IMF