Thứ Ba | 04/09/2012 11:14

IMF: Cấu trúc kinh tế toàn cầu thay đổi do hội nhập

Sự hội nhập, phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước đang làm thay đổi sâu sắc cấu trúc kinh tế, nhiều lợi ích song cũng nhiều rủi ro hơn, IMF cho biết.
Trong phát biểu mới đây của mình, giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Chritine Lagarde cho biết cấu trúc thế giới đang có những chuyển biến rõ rệt do quá trình hội tụ cũng như phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia.

Sự liên kết lẫn nhau trong nền kinh tế toàn cầu mang lại những lợi ích lớn, đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ lây lan một khi khủng hoảng nổ ra. Do đó, đòi hỏi phải có những giải pháp siêu quốc gia để đối phó với các nguy cơ kinh tế.

Cùng chung quan điểm với bà Lagarde, tiến sĩ Kemal Dervis thuộc viện Brookings, kinh tế thế giới đang trải qua một đợt thay đổi lớn về cấu trúc, trong đó các thị trường mới nổi đang nhanh chóng bắt kịp các nền kinh tế phát triển.

Theo ông Dervis, có ba thay đổi cơ bản trong nền kinh tế toàn cầu dẫn đến sự thay đổi trong cán cân kinh tế Đông - Tây, đó là sự hội nhập về tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế mới nổi và phát triển, sự phụ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế phát triển và cuối cùng là sự phân hóa thu nhập giữa các nước.

Ông Dervis cũng cho rằng trong thế giới đa cực và phụ thuộc lẫn nhau hơn, các nước mới nổi và phát triển phải đóng vai trò lớn hơn trong các tổ chức quốc tế.

Khi thế giới trở nên đa cực và phụ thuộc lẫn nhau hơn bao giờ hết, các giải pháp đa phương là điều thực sự cần thiết để ngăn chặn các rủi ro và có được những lợi ích từ hội nhập kinh tế, ông Dervis nói.

Tán thành với ý kiến này, tổng giám đốc Lagarde cho biết trong khi IMF đang cố vạch ra những rủi ro tài chính và mối liên hệ giữa khu vực tài chính và nền kinh tế thực, thách thức lớn nhất vẫn là thuyết phục các nhà hoạch định chính sách toàn cầu có được cái nhìn xa hơn về viễn cảnh toàn cầu.

Trong nghiên cứu mới đây, IMF cho biết sự tương tác phức tạp trong thương mại, vốn, thông tin và công nghệ đang mở ra một hướng hội nhập toàn cầu mới, tốt hơn song cũng không kém phần rủi ro hơn. Sự gia tăng về thông tin góp phần cải thiện cuộc sống của con người - như nâng cao sức khỏe, giáo dục và thông tin liên lạc. Ngoài ra, hội nhập thương mại và tài chính cũng giúp củng cố tăng trưởng và tạo việc làm, đồng thời thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Tuy nhiên, khi nhìn vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong thời gian qua có thể thấy rằng sự hội nhập này cũng mang đến những nguy cơ nghiêm trọng về sự lây lan cũng như làm ảnh hưởng tới lợi ích của nhiều quốc gia. Chẳng hạn, các nền kinh tế nhỏ có thể kéo tụt các nền kinh tế lớn hơn và khủng hoảng tại một quốc gia có thể lan ra toàn thế giới.

Theo hiệu trưởng trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, ông Kishore Mahbubani, con người giờ đây đang sống trong một thế giới hội nhập chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, sự ra đời của những chuỗi cung ứng toàn cầu đồng nghĩa một sự gián đoạn tại nửa này của bán cầu có thể làm ngưng trệ hoạt động sản xuất của nửa còn lại.

Ông Mahbubani cho rằng sự hội nhập toàn cầu đòi hỏi phải có một "nền tảng đạo đức toàn cầu mới" để có thể bảo vệ nó tránh khỏi những vấn đề ngày một gia tăng của thế giới như khủng hoảng tài chính và biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, khoảng cách giữa các nước giàu và nước nghèo đang một thu hẹp trong bối cảnh công nghệ dần trở thành một loại hàng hóa toàn cầu, và các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có thể áp dụng để bắt kịp với các nền kinh tế tiên tiến hơn.

Nguồn IMF/Khampha


Sự kiện