Thứ Sáu | 04/01/2013 08:03

IMF: Cắt giảm ngân sách không còn ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng kinh tế

Hai nhà nghiên cứu của IMF cho rằng những tác động từ cắt giảm chi tiêu có thể bị giảm dần khi kinh tế toàn cầu bắt đầu hồi phục.
Một nghiên cứu mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy trong bối cảnh khủng hoảng tài chính tăng cao như hiện tại, việc thắt chặt ngân sách tại các nền kinh tế đang phát triển có thể không có hại cho tăng trưởng. Tuy nhiên, các nhà kinh tế của IMF vẫn cảnh báo chính phủ các nước nên thận trọng trước các biện pháp cắt giảm quyết liệt.

Trước đó, trong tháng 10, IMF từng bị chỉ trích nặng nề khi thừa nhận rằng các chương trình thắt lưng buộc bụng mà cơ quan này đề xuất trong suốt cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã trở nên tốn kém hơn dự tính, ước tính tăng gấp 3 so với dự trù ban đầu, gây tổn thương nặng nề cho nền kinh tế.

Các nhà phân tích cũng kêu gọi IMF nên nới lỏng những khuyến nghị về cắt giảm ngân sách đối với các nước thuộc khu vực đồng euro (eurozone). Theo các chuyên gia, ở thời điểm hiện tại nếu buộc Hy Lạp và các nước đang chìm trong nợ khác của châu Âu giảm thâm hụt quá nhanh có thể dẫn tới các tác động ngược.

Trong bài phân tích của mình, kinh tế trưởng của IMF, ông Olivier Blanchard cùng đồng nghiệp Daniel Leigh cho rằng những tác động khắc nghiệt nhất từ các chương trình cắt giảm chi tiêu có thể bị giảm dần khi kinh tế toàn cầu bắt đầu hồi phục.

Theo Blanchar, trong 2 năm qua, tác động tiêu cực của chương trình cắt giảm chi tiêu của chính phủ đối với tăng trưởng đã bị thu hẹp hơn khi nền kinh tế được cải tiện và người dân cùng các doanh nghiệp bắt đầu đi vay nhiều hơn, khiến chi tiêu chính phủ bớt suy yếu.

Blanchar và Leigh cho rằng hậu quả từ chi tiêu chính phủ đối với nền kinh tế có thể khác nhau tùy thuộc vào quốc gia và nhà nước của nền kinh tế đó. Hai ông cảnh báo rằng chính phủ các nước không nhất thiết phải trì hoãn thắt chặt chi tiêu và cắt giảm ngân sách, song nên cân nhắc những tác động tiêu cực của chúng với tăng trưởng.

Ông Blanchar cũng cho biết IMF đã cho nới lỏng mục tiêu thâm hụt ngân sách đối với một quốc gia, điển hình như Bồ Đào Nha.

Trong bài phân tích hôm qua 3/1, hai nhà kinh tế của IMF cho biết nghiên cứu của họ được tiến hành ở hầu hết các nền kinh tế phát triển trong suốt thời kỳ khủng hoảng tài chính lên cao trong giai đoạn 2009 - 2010. Mặc dù không đại diện cho tử tưởng chung của toàn IMF, song nghiên cứu của Blanchar và Leigh đã phần nào giúp hình thành tư duy kinh tế mới cho quỹ, các chuyên gia nhận định.

Nguồn Reuters/Khampha


Sự kiện