IMF cảnh báo nguy cơ “hiệu ứng lan truyền” đối với kinh tế toàn cầu
Trong một buổi hội nghị được tổ chức tại thủ đô Jakarta của Indonesia, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xảy ra “hiệu ứng lan truyền” khi sự gián đoạn tại một thị trường ở châu Á có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ thế giới.
Theo bà Lagarde, những diễn biến trên các thị trường thế giới trong một vài tuần vừa qua là minh chứng cho thấy châu Á giờ đang trở thành trung tâm của kinh tế thế giới.
Có thể thấy các thị trường chứng khoán toàn cầu và các thị trường tiền tệ của những nước mới nổi đã “chao đảo” như thế nào sau quyết định bất ngờ hạ giá đồng nhân dân tệ của Bắc Kinh hồi tháng trước.
Tổng Giám đốc IMF cũng cho rằng kinh tế thế giới đang phải đối mặt với một “cơn gió ngược,” chịu tác động từ nhiều phía như đà tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc và Nhật Bản, giá nhiên liệu lao dốc và những mập mờ xung quanh quyết định tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Do đó, mỗi quốc gia cần phải áp dụng những chính sách thích ứng riêng rẽ, song vẫn cần phải chú trọng vào những lĩnh vực như tăng cường hệ thống quốc phòng với chính sách tài chính khôn ngoan, kiểm soát tăng trưởng tín dụng, duy trì dự trữ ngoại hối và siết chặt các quy định.
Trước đó, ngày 1/9, trong bài phát biểu tại trường Đại học Indonesia, bà Lagarde cũng cho rằng các nền kinh mới nổi trên thế giới cần duy trì khả năng phục hồi lớn hơn để đối phó với tình trạng giảm đà tăng trưởng của Trung Quốc, đồng thời cho rằng con đường phía trước sẽ "rất gập ghềnh.”
Bà Lagarde cho hay mức tăng trưởng toàn cầu năm nay có khả năng sẽ “thấp hơn” so với dự báo trước đó. Nhận định này được đưa ra chưa đầy hai tháng sau khi IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 xuống mức 3,3%.
Dù IMF vẫn hy vọng châu Á sẽ dẫn đầu mức tăng trưởng toàn cầu, song bà Lagarde thừa nhận tốc độ tăng trưởng của khu vực này thấp hơn so với dự báo và nhiều khả năng sẽ còn thấp hơn nữa. Do đó, Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì “khả năng phục hồi lớn hơn”.
Ngoài ra, Tổng Giám đốc Lagarde cũng gợi ý rằng những thể chế quốc tế như Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng (AIIB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hay Ngân hàng Thế giới (WB) cần “bắt tay” nhau để phục vụ các nhu cầu nâng cấp cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Nguồn Vietnam+