G20 cam kết bơm hơn 7.000 tỉ USD để đối phó với COVID-19. Ảnh: AFP

 
Nguyễn Hồng Thứ Năm | 16/04/2020 10:21

IMF cảnh báo kinh tế châu Á "về Zero", G20 tung 7.000 tỉ USD

Chính phủ các nước đang tung hết nguồn lực để ngăn chặn những thiệt hại do virus viêm phổi gây ra.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 16.4 cảnh báo tăng trưởng USD của châu Á trong năm nay sẽ ở mức 0% lần đầu tiên trong 60 năm qua. Nguyên nhân là do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ gây thiệt hại "chưa từng có trong lịch sử" cho lĩnh vực dịch vụ và các thị trường xuất khẩu chính của khu vực này.

Không giống như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khởi nguồn từ sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers vào năm 2008, đại dịch COVID-19 có tác động nặng nề hơn khi ảnh hưởng đến toàn bộ lĩnh vực sản xuất, dịch vụ của khu vực này khi chính phủ các nước buộc phải thực hiện lệnh phong tỏa để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Các cường quốc xuất khẩu của châu Á cũng đang chịu ảnh hưởng từ nhu cầu sụt giảm khi các đối tác thương mại quan trọng như Mỹ và châu Âu đang gặp nhiều khó khăn.

Sang năm 2021, IMF dự kiến nền kinh tế châu Á sẽ tăng 7,6% với giả định rằng các chính sách ngăn chặn dịch bệnh lây lan tại đây thành công. Nhưng IMF lưu ý triển vọng vẫn rất không chắc chắn. IMF cũng kêu gọi các chính phủ nỗ lực cung cấp thanh khoản dồi dào cho thị trường, đồng thời giảm bớt căng thẳng tài chính mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed al-Jadaan cho biết nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí bơm hơn 7.000 tỉ USD nhằm bảo vệ thị trường lao động, các doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh thế giới đang phải đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Bên cạnh đó, G20 cam kết bảo vệ thị trường việc làm cho người lao động, duy trì ổn định hệ thống tài chính toàn cầu, đồng thời khẳng định quyết tâm vượt qua đại dịch COVID-19. Trên cơ sở đó, ông Al-Jadaan lạc quan thế giới sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại nếu các bên tiếp tục cùng nhau đối phó với dịch COVID-19 cũng như bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác trong tương lai.