Thứ Sáu | 01/02/2013 08:12

IMF cảnh báo khủng hoảng nợ ở thị trường mới nổi

Làn sóng bán trái phiếu quốc tế của châu Phi và các nước đang phát triển khác có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nợ mới.
Nhiều nước đang phát triển từng bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng tài chính những năm 1980, 1990 khi chật vật tìm cách trả các khoản nợ nước ngoài và trái phiếu định giá bằng ngoại tệ mà phổ biến là USD sau khi nội tệ của họ mất giá mạnh.

Kể từ đó, nhiều nền kinh tế mới nổi đã tự lập thị trường trái phiếu của riêng mình, giảm mạnh sự phụ thuộc vào vay nợ bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, nhiều quốc gia nhỏ hơn, kém phát triển hơn vẫn phải dựa vào các chủ nợ nước ngoài.

Nhà đầu tư quốc tế trong khi đó bị hấp dẫn bởi trái phiếu thị trường mới nổi. Điều này khiến chi phí đi vay càng xuống thấp và càng khuyến khích nhiều quốc gia đang phát triển tham gia vào thị trường trái phiếu quốc tế.

Phó giám đốc bộ phận thị trường vốn và tiền tệ của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ông Luc Everaert nhấn mạnh: “Chúng tôi thực sự lo ngại về điều này. Chúng tôi cho rằng sai lầm đang lặp lại ở một số nước”.

Những năm gần đây, các nước lần đầu tiên tham gia thị trường trái phiếu quốc tế gồm có Angola, Mongolia, Namibia và Zambia. Nhà đầu tư đã rót khoảng 12 tỷ USD vào trái phiếu Zambia năm ngoái. Nhu cầu với trái phiếu mạnh khiến chi phí đi vay của nước này xuống thấp kỷ lục.

Nhiều nước trong số này phát triển khá nhanh do vay nợ giúp thúc đẩy hoạt động đầu tư, xây dựng thị trường vốn. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều chuyên gia lo ngại sự cám dỗ của chi phí đi vay thấp kỷ lục có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ mới.

“Nhà đầu tư nước ngoài muốn cho các thị trường mới nổi vay, đây là dấu hiệu tích cực nhưng các nước vẫn nên cẩn trọng bởi nó có thể dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm khủng hoảng tài chính. Nếu nội tệ một nước giảm, chi phí vay và trả nợ sẽ cao hơn buộc nước đó phải nâng lãi suất và dùng dự trữ ngoại hối để bảo vệ tỷ giá”, giám đốc điều hành kiêm thành viên ban đánh giá xếp hạng tín nhiệm của Standard & Poor’s, Marie Cavanaugh, cảnh báo.

Giáo sư chuyên ngành kinh tế tại đại học Harvard, một trong những chuyên gia hàng đầu về khủng hoảng nợ công, Kenneth Rogoff, cũng cảnh báo, hiện các nền kinh tế mới nổi vẫn ít mắc nợ hơn trước kia nhưng ông tin rằng một số nước khó tránh được khủng hoảng nợ trở lại.

“Khi các nước giàu không phát triển và duy trì lãi suất gần 0%, nó sẽ gây ra áp lực cực lớn đối với các thị trường mới nổi. Nếu kiểm soát dòng vốn tốt sẽ hỗ trợ tăng trưởng, tuy nhiên không phải nước nào cũng làm được”, ông Rogoff nói.

Nguồn FT/Khampha


Sự kiện