Thứ Hai | 06/10/2014 08:52

IMF: Các nước nên tranh thủ lãi suất thấp để đầu tư vào cơ sở hạ tầng

Theo IMF, lãi suất đang thấp, với các nước có cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, đây là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh đầu tư.
Một phần của báo cáo tình hình kinh tế thế giới được công bố cuối tháng 9/2014 của IMF (International Monetary Fund - Quỹ tiền tệ quốc tế) chỉ ra rằng lãi suất vay đang thấp.

Bên cạnh đó, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nền kinh tế phát triển thấp. Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển thì đang gặp bế tắc trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Như vậy, đối với những nước có cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, đây là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh đầu tư.

Trong ba thập kỷ qua, tỷ lệ đầu tư công trên GDP giảm đáng kể tại các nền kinh tế phát triển, mới nổi cũng như đang phát triển. Ngoài ra, so với các quốc gia phát triển, tỷ lệ đầu tư cơ sở hạ tầng trên đầu người tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ.

Sau 5 năm, nền kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi nhưng với tốc độ chậm. Mặc dù chính sách tiền tệ được nới lỏng và các điều kiện tài chính được cải thiện, nhiều nền kinh tế đã phát triển vẫn đang trong tình trạng suy thoái và tỷ lệ lạm phát rất thấp tại châu Âu.

Ngược lại, các nền kinh tế mới nổi lại có sự phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng trong những năm qua vẫn thấp hơn thập niên trước khủng hoảng và giảm so với giai đoạn ngay sau khủng hoảng 2010-2011.

Dự báo tăng trưởng trung hạn của các nền kinh tế mới nổi liên tiếp bị điều chỉnh giảm trước viêc tăng trưởng sụt giảm liên tục..

Một trong những nguyên nhân thường xuyên được dẫn ra cho việc mất đà tăng trưởng là sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng.

Tại nhiều nền kinh tế mới nổi như Brazil, Ấn Độ, Nga và Nam Phi, sự bế tắc về cơ sở hạ tầng không chỉ là vấn đề trong trung hạn mà thậm chí còn là hạn chế đối với tăng trưởng trong ngắn hạn.

Sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng của các quốc gia đang phát triển thường được cho là trở ngại đối với phát triển dài hạn.

Tương tự, nghiên cứu của IMF cho thấy việc tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng làm tăng sản lượng đầu ra cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

Với tình hình hiện tại của các nền kinh tế nói trên cũng như việc lãi suất đang ở mức thấp, thậm chí lãi suất thực trong ngắn hạn còn được dự báo sẽ ở mức thấp so với thời kỳ trước khủng hoảng, IMF gợi ý đây có thể là thời điểm thích hợp để tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng.

Đối với các nền kinh tế đã phát triển, tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể là công cụ cần thiết để kích cầu, và đây cũng là một trong số ít các chính sách có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng bên cạnh việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Đối với các nền kinh tế đang phát triển, chính sách này có thể giúp giải quyết những bế tắc đã có sẵn cũng như mới xuất hiện về vấn đề cơ sở hạ tầng.

Nghiên cứu của IMF chỉ ra rằng đối với nền kinh tế có nhu cầu cơ sở hạ tầng được xác định rõ ràng và quy trình đầu tư công hiệu quả thì khi suy thoái kinh tế xảy ra và chính sách tiền tệ được nới lỏng, các quốc gia này hoàn toàn có thể tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng.

Dù nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đang cấp bách, tăng đầu tư công vẫn có thể khiến sản lượng tăng một cách hạn chế. Nguyên nhân là do quy trình đầu tư không được cải thiện.

Mô phỏng dựa trên mô hình của IMF cho thấy đầu tư công không làm tăng sản lượng cả trong dài hạn lẫn ngắn hạn do hiệu quả của đầu tư tương đối thấp.

Thế nhưng, đối với những thị trường mới nổi đang phát triển, nơi tắc nghẽn cơ sở hạ tầng đang kìm hãm sự phát triển, lợi ích từ việc giảm những tắc nghẽn có thể là rất lớn.

Thông cáo của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 vào tháng 2/2014 đã nêu quan điểm đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu diễn ra mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, hiện tại, nhiều nền kinh tế phát triển vẫn đang có tỷ lệ nợ trên GDP khá cao nên các chính sách tài khóa cần được củng cố nhiều hơn nữa.

Hơn nữa, việc bình thường hóa các chính sách tiền tệ của một vài ngân hàng trung ương chủ chốt trong thời gian tới có thể làm tăng rủi ro tài chính.

Nguồn Theo DVO


Sự kiện