Thứ Hai | 27/10/2014 14:59

IMF bắt đầu áp sàn lãi suất SDR 0,05% từ hôm nay 27/10

IMF muốn giữ lại quyền lợi cho bên cho vay trong bối cảnh xu hướng lãi suất âm đang bắt đầu diễn ra trên toàn cầu.
Cuối tuần qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuyên bố bắt đầu thi hành mức sàn 0,05% đối với lãi suất áp dụng cho quyền rút vốn đặc biệt (Special Drawing Rights - SDR) - một đơn vị tiền tệ quốc tế riêng của IMF và các thành viên.

Như vậy IMF đã quyết định tăng cường kiểm soát một trong những tỷ lệ lãi suất quan trọng nhất trong tài chính quốc tế trước bối cảnh làn sóng tăng cường nới lỏng tiền tệ đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới có nguy cơ đẩy lãi suất điều hành xuống mức âm.

Lãi suất SDR (áp dụng cho quyền rút vốn đặc biệt) là tỷ lệ lãi suất mà IMF phải trả khi sử dụng khoản tiền được trích ra từ quỹ chung của các quốc gia thành viên. Chẳng hạn trong hoạt động cứu trợ đối với Hy Lạp, IMF đã sử dụng các khoản cho vay bằng SDR và dùng lãi suất SDR làm cơ sở chính để điều chỉnh và xây dựng mức lãi suất cho vay dành cho Hy Lạp. Lãi suất SDR được tính bằng bình quân gia quyền lãi suất phi rủi ro (risk-free rate) kỳ hạn 3 tháng của 4 loại tiền tệ bao gồm: euro, yên, đô-la Mỹ và bảng Anh.

IMF tuyên bố: "Lãi suất áp dụng đối với SDR kể từ tuần tới (bắt đầu từ hôm nay 27/10) sẽ được thiết lập ở mức sàn 0,05%".

Mức sàn lãi suất 0,05% vừa áp dụng sẽ đảm bảo cho các quốc gia thành viên có được một khoản lợi nhuận nhỏ khi cho vay.

Giải thích cho quyết định này, IMF đã chỉ ra xu hướng ngày càng nới lỏng của các điều kiện tài chính toàn cầu, hơn cả giai đoạn 5 năm sau Đại Suy Thoái 1929-1933. Xu hướng này đã dẫn đến một mặt bằng lãi suất thấp nhất trong 68 năm vừa qua.

Các công cụ được các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới thực hiện như giảm lãi suất, mua tài sản và các công cụ điều hướng khác đang tiếp tục khiến cho các thị trường tài chính trở nên nhiễu loạn.

Sau khi duy trì tỷ lệ lãi suất SDR dương trong suốt thời kỳ khủng hoảng tài chính, lãi suất phi rủi ro trong rổ tiền tệ đã bắt đầu thay đổi và có xu hướng giảm xuống dưới 0%. Đặc biệt, việc hạ lãi suất tiền gửi xuống mức âm của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và chính sách duy trì nới lỏng tiền tệ kỷ lục của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã khiến cho lãi suất phi rủi ro của đồng euro và đồng yên giảm xuống dưới 0%.

Năm 1976, Việt Nam chính thức kế tục quy chế hội viên của Việt Nam tại IMF và được quyền hưởng các khoản vay từ IMF.

Theo tài liệu của Bộ Ngoại giao cập nhật đến tháng 9/2012,cổ phần của Việt Nam tại IMF bằng 460,7 triệu SDR, chiếm 0,193% tổng khối lượng cổ phần và có tỷ lệ phiếu bầu là 0,212% tổng số quyền bỏ phiếu.

Nguồn Theo DVO/ Financial Times


Sự kiện