Thứ Ba | 03/04/2012 10:14

IMF báo động hiểm họa nợ xấu ở Trung và Đông Âu

Các khoản nợ xấu khu vực này đã tăng nhanh từ 3% trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu lên mức đỉnh cao 13% hiện nay và đang tiếp tục tăng nhanh.
Ngày 2/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã báo động hiểm hoạ nợ xấu ở các nền kinh tế Trung và Đông Âu chỉ 3 năm sau khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu đột ngột chấm dứt thời kỳ bùng nổ tín dụng ở các nền kinh tế này.

Các khoản nợ xấu đã tăng nhanh từ 3% trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu lên mức đỉnh cao 13% hiện nay, và đang tiếp tục tăng nhanh trong bối cảnh khủng hoảng nợ công ở các nước khu vực đồng euro vẫn nóng.

IMF nhấn mạnh nguy cơ bùng nổ nợ xấu ở các nền kinh tế Trung và Đông Âu đang khiến quan hệ giữa chủ nợ và nước vay nợ trở nên xấu đi.

Mức nợ xấu của các nước Balkan và Baltic đã tương đương với mức khủng hoảng nợ trước đây ở các nước khác.

Nợ xấu đã trở thành vấn đề nan giải trên nhiều lĩnh vực như ngân hàng, cung ứng tín dụng, tăng trưởng kinh tế, …. có thể dẫn đến vòng luẩn quẩn hạn chế tín dụng, giảm giá tài sản và các giá trị liên quan, tiếp theo là tê liệt kinh tế.

Các nhà hoạch định chính sách, các ngân hàng và các thể chế tài chính quốc tế đang nỗ lực tìm giải pháp khẩn cấp cho hiểm hoạ nợ xấu này.

Nhóm chuyên gia do IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) lãnh đạo đã kêu gọi hành động phối hợp giữa các nhà hoạch định chính sách, các ngân hàng, các thể chế tài chính quốc tế và các cơ quan giám sát tài chính quốc gia và quốc tế.

Các ngân hàng cần thúc đẩy giải quyết các khoản nợ, trong đó có thể xóa các khoản nợ không còn khả năng thu hồi.

Các nhà hoạch định chính sách có thể theo hoàn cảnh cụ thể của nước mình thúc đẩy các chế độ phá sản, cơ cấu lại nợ ngoài tòa án.

Các chính phủ cần tránh biện pháp can thiệp quá mạnh có thể phá hoại văn hóa thanh toán và môi trường hợp đồng có giá trị răn đe vay nợ mới.

Các nhà giám sát tài chính cần gia tăng sức ép nhằm đẩy nhanh thanh toán nợ xấu.

IMF, WB, Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu và Liên minh châu Âu lưu ý rằng hiểm họa nợ xấu của các nền kinh tế Trung và Đông Âu không thể giải quyết trong ngắn hạn nhưng sự phối hợp quốc tế giữa các đối tác có thể giúp giải quyết hiểm họa này sớm hơn và ít đau đớn hơn.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện