Thứ Tư | 26/03/2014 14:24

IMF: "Ba bước" trong quá trình cải cách tiếp theo của Trung Quốc

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bắt đầu những bước cải cách về tiền tệ, nhưng để quá trình chuyển đổi thành công, Trung Quốc cần làm những gì?
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - bà Christine Lagarde đã gửi đi một thông điệp quan trọng đến nền kinh tế Trung Quốc từ Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (China Development Forum) diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh hôm 23/3.

Bà Lagarde cho rằng, bất chấp những tiến bộ đáng kể trong nhiều năm gần đây nhưng nền kinh tế Trung Quốc giờ đang đối mặt với những "cản trở nghiêm trọng" đối với "sự chuyển đổi tiếp theo" của mình.

Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh "ba bước" quan trọng trong quá trình chuyển đổi đó của Trung Quốc bao gồm: bước đầu tiên là giải phóng lĩnh vực dịch vụ; bước thứ hai là xây dựng một mô hình hội nhập toàn cầu cho nền tài chính và bước cuối cùng là thúc đẩy tăng trưởng toàn triển, đi kèm chính sách tăng trưởng xanh nhằm hướng đến phát triển bền vững.

Giải phóng tiềm năng của lĩnh vực dịch vụ

Ba bước cần cho quá trình chuyển đổi tiếp theo của nền kinh tế Trung Quốc:
- Hiện đại hóa lĩnh vực dịch vụ có thể nâng cao thu nhập, lượng việc làm mới và điều kiện sống.
- Hệ thống tài chính lành mạnh và hội nhập giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện phúc lợi xã hội.
- Đẩy mạnh tăng trưởng toàn diện và chính sách tăng trưởng xanh nhằm tạo ra sự phát triển bền vững.
Nền kinh tế Trung Quốc đã "cất cánh" từ hai thập kỷ trước nhờ sức mạnh của công nghiệp chế tạo, nhưng trong giai đoạn tiếp theo của quá trình cải cách, lĩnh vực dịch vụ cần phải được nâng cao vai trò trong nền kinh tế.

Bà Lagarde giải thích: "Đây sẽ không chỉ là việc giải phóng tiềm năng tăng trưởng bền vững trong lĩnh vực dịch vụ, mà còn thúc đẩy việc làm, tiêu dùng và điều kiện sống".

Mặc dù đã trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới (chủ yếu nhờ công đoạn gia công cuối cùng thực hiện ở quốc gia này sau đó xuất khẩu đi các nước khác), nhưng năng suất lao động và đổi mới trong sản xuất chỉ có thể phát triển với nền giáo dục hiện đại, chăm sóc y tế được nâng cao và một hệ thống tài chính hội nhập. Vì vậy, những rào cản để tiếp cận những chiếc chìa khóa trên cần được giỡ bỏ dần, khi đó đổi mới có thể giữ cho vị thế của Trung Quốc nằm ở vị trí dẫn đầu trong sự phát triển kinh tế.

Lĩnh vực tài chính mạnh khỏe hơn và cạnh tranh hơn

Bà Lagarde cũng chỉ rõ nền tài chính của Trung Quốc có nguồn lực tiềm năng để tăng trưởng chất lượng hơn và cảu thiện phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, lĩnh vực này phải được mở cửa để tiếp xúc với sự cạnh tranh lớn hơn đến từ nước ngoài, cũng như sự chuyển giao kiến thức, song song với khuôn khổ chính sách vĩ mô vững mạnh hơn, với quy định và giám sát tốt hơn.

Người đứng đầu tổ chức IMF nhận định việc từng bước nới lỏng tài khoản vốn sẽ tạo thuận lợi cho một mô hình hội nhập toàn cầu trong lĩnh vực tài chính được tạo ra, đồng thời cũng giúp cho các hình thức tiết kiệm trong nước trở nên đa dạng hơn và nền kinh tế vững vàng hơn trước các cú sốc.

Biện pháp này còn có thể củng cố vai trò của đồng nhân dân tệ trong vị thế của tiền tệ toàn cầu. Bà Lagarde nói rằng: "Theo thời gian, đồng nhân dân tệ có thể đạt đến vị thế của tiền tệ dự trữ quốc tế và ở một vị trí ngang hàng với quy mô của nền kinh tế Trung Quốc".
Giảm bất bình đẳng và thiệt hại đến môi trường

Giảm bất bình đẳng và bảo vệ môi trường sẽ cải thiện chất lượng tăng trưởng và đồng thời, cũng làm cho tăng trưởng bền vững hơn.

Bà Lagarde đã chỉ ra một số biện pháp nhằm khuyến khích tăng trưởng toàn diện, bao gồm tăng cường sự tham gia của lao động nữ giới. Bà hoan nghênh những bước đi mà Trung Quốc đã thực hiện để bảo vệ môi trường bao gồm đề xuất áp dụng thuế bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, bà Lagarde cho rằng, cần nhiều việc được hoàn thành hơn để đạt đến sự tăng trưởng xanh cho nền kinh tế nước này.
Trung Quốc - một lực lượng ổn định

Nói về vai trò của Trung Quốc đối với nền kinh tế thế giới, bà Lagarde cho rằng quốc gia này đang là một lực lượng ổn định trong nền kinh tế toàn cầu. "Sự thành công của Trung Quốc cũng rất quan trọng đối với sự thành công chung của toàn cầu. Bằng những bước để đạt đến sự chuyển đổi kế tiếp, Trung Quốc sẽ không chỉ giúp chính mình mà còn giúp cho cả thế giới", bà Lagarde cho biết.

Nguồn Dân Việt/IMF


Sự kiện