Thứ Bảy | 20/04/2013 16:29

IMF: 1/3 các nền kinh tế hàng đầu có vấn đề lớn về tài chính

Theo IMF, điều các nước cần hiệ nay là củng cố và hoàn thiện hệ thống tài chính hơn là chỉ hạ thâm hụt ngân sách để giảm gánh nặng nợ.
Thông tin trên được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trong báo cáo Giám sát tài chính mới công bố.

Theo IMF, sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu lên đến đỉnh điểm vào năm 2009, nhiều nền kinh tế phát triển hiện đang hướng đến việc đạt thặng dư ngân sách để ổn định nợ.

Tuy nhiên, nợ dù ổn định song vẫn ở mức cao đã hạn chế tiềm năng tăng trưởng, làm giảm mức độ linh hoạt khi lựa chọn các chính sách trong tương lai và đặt các nền kinh tế trước khả năng bị tác động từ các cú sốc trên các thị trường. Việc chỉ đơn thuần duy trì nợ của các nền kinh tế phát triển ở các mức hiện nay sẽ không có lợi cho triển vọng kinh tế trung và dài hạn.

IMF cho rằng, điều cần thiết lúc này là các chương trình giảm nợ rõ ràng và đáng tin cậy trong trung hạn hơn là các biện pháp khắc khổ trong ngắn hạn để tránh làm sụt giảm tăng trưởng trong lúc các nền kinh tế vẫn yếu.

Việc Nhật Bản và Mỹ vẫn chưa đưa ra các chương trình như vậy là một mối lo ngại đáng kể, nhất là khi Nhật Bản lại vừa thông báo các biện pháp kích thích kinh tế mới trong ngắn hạn, còn các biện pháp ổn định tài chính trong trung hạn tại Mỹ chưa mang lại những kết quả như mong đợi.

Mối lo ngại về vấn đề nợ nần hiện đang tập trung chủ yếu ở các nền kinh tế phát triển, khi tỷ lệ nợ trên GDP của toàn cầu chỉ là 79,3% thì con số này với các nền kinh tế phát triển là 109,3%. Nhật Bản đang có gánh nặng nợ lớn nhất trong số các nước phát triển, với số nợ ước tính tương đương 245% GDP trong năm nay, tiếp theo là Hy Lạp (180%), Italia (131%), Ireland và Bồ Đào Nha (122%) và nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ (108%).

IMF cảnh báo các nước sẽ không thể xử lý nợ bằng việc tăng giá nhằm giảm giá trị của số nợ và việc tư nhân hóa tài sản nhà nước cũng không thể góp phần đáng kể trong nỗ lực giảm nợ.

IMF nhận định tỷ lệ nợ/GDP ở nhiều nước sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2014, trước khi giảm xuống sau đó, dù các nước đã nỗ lực cắt giảm ngân sách để giảm mức thâm hụt.

Nhiều nước phát triển vẫn đang đứng trước một chặng đường dài, khó khăn và không có gì chắc chắn để có thể ổn định về tài chính. Tuy nhiên, IMF dự báo thâm hụt ngân sách ở gần như tất cả các nền kinh tế phát triển sẽ tiếp tục giảm trong năm nay.

Nguồn TTXVN


Sự kiện