IHT: Tờ báo gắn với lịch sử loài người thế kỷ 20
Trong bối cảnh báo điện tử phát triển mạnh, lấn át báo truyền thống, International Herald Tribune - với tư cách là người tiên phong của báo chí toàn cầu hóa, bạn đường tin cậy của những du khách quốc tế dù là ở Paris, Kuwait hay Tokyo - vẫn tự tin có thể thích nghi được với thời đại kỹ thuật số đã thay đổi hoàn toàn mô hình làm báo truyền thống.
“Giống như mọi người, chúng tôi đang tìm kiếm giải pháp thần kỳ”, tổng thư ký tòa soạn Alison Smale nói trong một cuộc phỏng vấn của văn phòng IHT ở La Defense, một tòa nhà văn phong tại quận kinh doanh ngay bên ngoài Paris.
Cơn lũ những trang web tin tức, truyền hình 24 giờ và Twitter đã thay đổi cách tin cập nhật được sản xuất và tiêu thụ, nhưng bà Smale nói IHT tin tưởng rằng tương lai vẫn gắn với những giá trị truyền thống của tờ báo.
“Điều mà bạn có thể làm, và tất cả chúng ta có thể làm mỗi ngày, là lướt trên mạng và tìm kiếm thông tin”, bà nói. “Nhưng bạn không thể có khả năng phát hiện vấn đề của một tờ báo, nơi các biên tập viên tinh tế, hết sức thông minh và tài năng đã giúp bạn lựa chọn “đây là điều mà các bạn phải biết về thế giới trong ngày hôm nay”.
Thành lập ngày 4/10/1887 bởi chủ nhà xuất bản New York Herald, Gordon Bennett, tờ báo ban đầu nhắm vào đối tượng những người Mỹ đi du lịch sống ở Paris với tin tức từ nước Mỹ, giá chứng khoán và tỉ số các trận bóng chày.
Sau vài lần đổi chủ và đổi tên, tờ báo dần nổi lên là một lựa chọn hàng đầu của người Mỹ đi công tác hoặc du lịch nước ngoài, dù phải ngừng xuất bản trong giai đoạn Đức Quốc xã chiếm đóng Paris từ 1940 tới 1944.
Tờ báo cũng trở thành một biểu tượng của những người Mỹ hay lang thang khắp thế giới sau khi nữ diễn viên Jean Seberg vào vai một người Mỹ bán báo IHT trên các đường phố Paris trong bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Jean-Luc Godard năm 1960, Breathless.
International Herald Tribune vẫn được coi là một chuẩn mực của làng báo thế giới. |
Giờ được gọi là “phiên bản toàn cầu của New York Times”, IHT đăng lại một số bài từ NYT, các hãng tin và các phóng viên của riêng báo, bao gồm nhiều nhà báo nổi tiếng như chuyên gia phê bình thời trang Suzy Menkes và cây bút xã luận Roger Cohen.
Tờ báo giờ đã mở rộng ra rất xa bên ngoài trụ sở Paris, với 41% trong số 226.267 tờ phát hành mỗi số trong năm 2011 là ở châu Á. Khoảng một nửa ở châu Âu, bao gồm 11% ở Pháp. Tuy nhiên, việc The New York Times sở hữu toàn bộ tờ báo đã gây ra quan ngại cho một số độc giả lâu năm, những người cảm thấy thiệt thòi vì mất đi những câu chuyện từ Washington Post và Los Angeles Times, các tờ báo trước đó cũng có cổ phần trong IHT.
“Mọi thứ khó khăn hơn khi thay đổi cổ đông và New York Times giành quyền sở hữu”, Axel Krause, phóng viên và biên tập viên của IHT đã gần 20 năm qua, nói. “Trước kia quan điểm đa dạng hơn, có cả những bài của Los Angeles Times và nhiều bài từ Washington Post, nhưng đây vẫn là một tờ báo tuyệt vời”. Vụ mua lại cũng đặt tờ báo vào tình trạng tài chính không rõ ràng và công ty New York Times từ chối tiết lộ các thông tin tài chính liên quan.
Một nhà báo giấu tên của IHT nói nhiều người ở Paris đang lo lắng về vấn đề tài chính và hoạt động có lẽ phải dần chuyển ra khỏi Pháp, nơi chi phí lao động rất cao. Hồi tháng 8, báo cũng đã bổ nhiệm một giám đốc điều hành mới từ công ty New York Times, Mark Thompson, gây ra lo ngại về những đợt cắt giảm chi phí mới.
Dẫu vậy, IHT hiện vẫn khá vững vàng. “IHT vẫn là một doanh nghiệp ổn định”, Larry Kilman, phó chủ tịch hiệp hội báo chí quốc tế WAN-IFRA có trụ sở tại Paris, nhận xét. “Văn hóa kỹ thuật số càng lan rộng, lại càng có cảm giác người đọc cần những thông tin chính xác, có chiều sâu và giá trị. Đó là một mẫu hình tốt và tôi không nghi ngờ gì về sự tồn tại của IHT”.
Nguồn Vietnam+