Thứ Tư | 13/08/2014 18:03

IEA: Đòn trừng phạt ít ảnh hưởng đến lĩnh vực dầu khí của Nga

Cơ quan Năng lượng Quốc tế hôm 12/8 cho biết, các đòn trừng phạt của Mỹ và EU có thể tác động không đáng kể đến lĩnh vực dầu khí của Nga.
Russia

Trong báo cáo thị trường dầu mỏ hàng tháng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, các đòn trừng phạt sẽ không có bất kỳ tác động rõ ràng nào về nguồn cung trong ngắn hạn, thậm chí trong trung hạn tác động của các đòn trừng phạt vẫn là vấn đề cần xem xét.

IEA còn cho biết thêm “Các đòn trừng phạt của EU mang tính lựa chọn cao, không bao gồm các hợp đồng đã ký và chỉ có thể được gia hạn thêm 1 năm nếu được đồng thuận. ‘Phạm vi’ dường như được xác định một cách lỏng lẻo, tạo cơ hội cho việc ‘lách luật’”.

Phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt, tác động đến các hợp đồng mới liên quan đến lĩnh vực dầu khí của Nga sau khi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn hạ ở miền đông Ukraine làm gia tăng căng thẳng giữa 2 bên.

Các đòn trừng phạt, không có hiệu lực hồi tố, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và đầu tư mới của các tổ chức trụ sở tại EU vào lĩnh vực thăm dò và phát triển ngoài khơi, Bắc Cực, và khác thường hoặc đá phiến sét.

Tuy nhiên, lệnh trừng phạt của EU lại né tránh lĩnh vực dầu khí thông thường cũng như lĩnh vực khí đốt tự nhiên – 2 lĩnh vực rất quan trọng đối với châu Âu. Nga cung cấp 1/3 lượng khí đốt tự nhiên của châu Âu và xuất khẩu hơn 6 triệu thùng dầu thô/ngày sang thị trường này.

Mặc dù lệnh trừng phạt của Mỹ có phạm vi rộng hơn, nhưng IEA cho biết, việc EU bỏ qua lĩnh vực khí đốt tự nhiên “có thể có nghĩa rằng việc chuyển giao và đầu tư công nghệ vào đá phiến sét sẽ không tác động mạnh như vào các lĩnh vực khác. Điều này là vì nhiều công nghệ chồng gối lên nhau và cũng vì các nhà lập pháp rất khó đưa ra sự phân biệt rõ ràng”.

IEA cho biết các công ty Nga có thể thận trọng hơn với việc chi tiêu. Rosneft cũng có thể nhận thấy việc mua lại bộ phận thương mại năng lượng của Morgan Stanley kém hiệu quả hơn với lợi nhuận thấp hơn khi các hoạt động thương mại dầu mỏ với phương Tây bị hạn chế. Hơn nữa, nhu cầu dầu thô của Nga cũng có thể giảm.

Trên thị trường dầu thô, IEA cho biết, bất chấp những biến động địa chính trị và nhiều nước sản xuất dầu mỏ quan trọng rơi vào tình trạng “rủi ro hơn bao giờ hết”, nhưng thị trường năng lượng vẫn có nguồn cung đầy đủ.

Trữ lượng tại bồn trũng Đại Tây Dương (Atlantic Basin) cũng như Biển Bắc vẫn dồi dào, cộng với hiệu ứng từ việc tăng sản lượng dầu tại Bắc Mỹ, nên giá dầu sẽ chưa thể tăng ngay được. Hôm 12/8, giá dầu Brent giao tháng 9 trên sàn ICE giảm 1,3% xuống 103,33 USD/thùng, mức thấp nhất 9 tháng. Hồi tháng 6 vừa qua, khi phiến quân Sunni tấn công miền Bắc Iraq dầu có giá 115 USD/thùng.

Việc mở lại 2 cảng xuất khẩu dầu của Libya có thể khiến giá dầu giảm thậm chí khi xung đột giữa các phe phái tại thủ đô Tripoli của nước này gia tăng.