Hy vọng nào cho Shinzo Abe ?
Những con quạ đang lượn quanh khu đất đã được giải tỏa mà trước đây là nhà máy sản xuất camera Pentax của Hoya tại Mashiko, cách thủ đô Tokyo 60 dặm về phía Bắc. Tất cả những gì còn lại của nơi này là một bảng hiệu hướng dẫn nhân viên đường đi đến một khu nhà ở tập thể và phòng tập thể dục, vốn đã bị phá dỡ cách đây vài năm khi đồng yen mạnh đã khiến cho các công ty Nhật như Hoya phải đẩy mạnh việc chuyển sản xuất ra nước ngoài.
Từng mà một mắt xích quan trọng trong trung tâm công nghiệp của Nhật nhưng Mashiko ngày nay chỉ là những quang cảnh đìu hiu. Đó chính là thách thức lớn đối với chính sách kinh tế Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe: làm sao để hồi sinh những nhà máy và việc làm ở Nhật.
Nhờ các nỗ lực đẩy mạnh chi tiêu chính phủ và nới lỏng tiền tệ, ông Abe đã thành công trong việc đưa đồng yen trở nên rẻ hơn, hồi sinh thị trường chứng khoán và giúp lợi nhuận tăng mạnh ở các công ty lớn nhất nước. Với sự trợ giúp của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Haruhiko Kuroda, ông Abe cũng đã phần nào xóa đi tư tưởng giảm phát tồn tại dai dẳng trong suy nghĩ của người dân và các ông chủ doanh nghiệp, vốn đã làm cản trở những nỗ lực phục hồi kinh tế trong quá khứ.
Dẫu vậy, tất cả những điều này hầu như chưa giúp ích gì trong việc đưa nhà máy và việc làm quay trở về với Mashiko và các nơi khác tại tỉnh Tochigi. Đó là bởi vì chính sách Abenomics vẫn chưa đưa ra được các chính sách khuyến khích cũng như động lực để các ngành của Nhật mở rộng quy mô trong nước.
Một vấn đề nữa là bóng ma giảm phát đang tái hiện. Hồi tháng 3, Chính phủ Nhật cho biết chỉ số giá tiêu dùng lõi của Nhật chỉ là 0% trong tháng 2.2015 so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ tháng 5.2013 và thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu lạm phát 2% mà Ngân hàng Trung ương Nhật cam kết sẽ đạt được vào mùa xuân năm nay (CPI lõi đã loại trừ yếu tố giá lương thực và tác động của chính sách tăng thuế tiêu dùng). Điều này khiến cho nhiều người lo ngại Nhật đang có nguy cơ quay trở lại thời kỳ giảm phát, từ đó đè nặng lên tăng trưởng và làm thu hẹp thị trường nội địa của các nhà sản xuất.
Năm ngoái, chính sách tăng thuế tiêu dùng (có hiệu lực vào tháng 4.2014) đã khiến cho nước Nhật rơi vào suy thoái. Dù sau 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm, Nhật đã lấy lại đà tăng trưởng trong quý cuối cùng của năm 2014, đưa nước này ra khỏi suy thoái, nhưng tăng trưởng vẫn rất chậm chạp.
Mặt khác, khi dân số ngày càng giảm đi và già hơn thì càng không có lý do gì để các công ty Nhật có mạng lưới toàn cầu như Honda, Toyota lại tăng mạnh sản xuất ở trong nước. Các hãng xe và các tập đoàn điện tử mà đã đưa sản xuất ra nước ngoài dường như càng ít có khả năng chuyển cơ sở sản xuất về lại quê nhà, khi các thị trường nước ngoài mới là những thị trường đang tăng trưởng nhanh, không phải nội địa.
“Khi bạn nghĩ đến chi phí phải xây dựng lại những gì đã không còn và giá trị đồng yen hiện nay, hoàn toàn có thể hiểu được tại sao các doanh nghiệp vẫn tiếp tục giữ hoạt động sản xuất ở nước ngoài”, Ryutaro Magome, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Ashigin tại Tochigi, nhận xét. Tỉnh Tochigi có không ít những nhà máy bị bỏ hoang hoặc những nhà máy bị thu hẹp quy mô. Mội vài nhà máy trong số đó là của các thương hiệu toàn cầu như Panasonic và Sony.
Một số nhà sản xuất lớn lại cho thấy thái độ dè dặt khi nghĩ đến chuyện quay trở lại quê nhà. Panasonic, Sharp và hãng sản xuất máy điều hòa không khí Daikin Industries cho biết họ có thể đưa một số công việc về Nhật. Còn Canon và Nissan Motor thì nói có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất trong nước.
Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất nhỏ hơn thì đang chật vật tồn tại, huống gì nói đến chuyện tăng sản xuất. Các doanh nghiệp này chỉ nhắm đến thị trường nội địa, chuyên cung cấp linh kiện, phụ tùng… cho các tập đoàn lớn, vốn chiếm phần lớn ngành sản xuất Nhật. Hàng hóa mà họ làm ra giờ có ít người mua hơn và việc đồng yen giảm 30% so với đồng USD kể từ khi ông Abe lên cầm quyền cách đây 2 năm có nghĩa là chi phí cao hơn đối với các nguyên vật liệu và phụ tùng nhập khẩu. Đó là lý do sản xuất vẫn dưới mức đỉnh năm 2007 và báo cáo GDP Nhật gần đây nhất lại cho thấy chi phí đầu tư cơ bản đã giảm trong quý thứ 3 liên tiếp.
Tại những công ty lớn như Toyota Motor và Fast Retailing, chủ sở hữu thương hiệu thời trang Uniqlo, đồng yen yếu hơn có nghĩa là thu nhập ghi nhận trên sổ sách cao hơn khi họ đưa lợi nhuận từ nước ngoài về Nhật. Còn đối với Yuichi Ojima, điều hành một cửa hàng kiểm tra và sửa chữa xe hơi ở Mashiko, đồng yen yếu hơn chỉ có nghĩa là chi phí bỏ ra nhập về các linh kiện, phụ tùng trở nên đắt đỏ hơn. “Chính sách Abenomics chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp lớn, chứ chẳng ích gì cho chúng tôi cả”, Ojima, đã làm việc ở cửa hàng này 20 năm, cho biết.
Phân phối lợi ích không đồng đều từ chính sách Abenomics là một trong những vấn đề bức thiết nhất của chính quyền Shinzo Abe, trong bối cảnh giảm phát đang có nguy cơ quay trở lại. “Abe cần phải đưa ra các chính sách khuyến khích doanh nghiệp ở lại Nhật thông qua các biện pháp cắt giảm thuế hơn nữa và các cải cách mang tính cơ cấu”, Takeshi Minami, chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Norinchukin tại Tokyo, nhận xét. Theo ông, ông Abe cần xây dựng một hệ thống mà trong đó, các doanh nghiệp cảm thấy họ cần phải tăng lương thêm nữa.
Tín hiệu đáng mừng cho ông Abe là Quốc hội Nhật đã phê chuẩn đợt cắt giảm đầu tiên trong số nhiều đợt cắt giảm thuế doanh nghiệp, theo đó sẽ giảm thuế từ mức 35% xuống khoảng trên dưới 20% trong vài năm tới. Và Toyota cũng cho biết sẽ tăng lương cơ bản hằng tháng thêm 4.000 yen (33 USD), tức khoảng 1,1%, cao nhất trong hơn 20 năm qua của doanh nghiệp này.
Ông Tomoyuki Ohtsuka, thị trưởng Mashiko, không ngồi yên mà chờ đợi những tín hiệu tích cực từ chính sách Abenomics. Ông cho biết Mashiko phải thay thế các nhà máy bằng những gì mà nó còn lại. Cụ thể là thu hút khách du lịch nhờ vào lịch sử làm gốm lâu đời ở thành phố này. Và một phần trong khoảng đất mà có nhà máy của Hoya trước đây cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng: xây dựng một nhà máy chuyên sản xuất xương nhân tạo cho tầng lớp người già đang tăng nhanh của nước này
Nguồn NCDT/Bloomberg/WSJ