Chủ Nhật | 08/12/2013 16:08

Hy Lạp thông qua ngân sách khắc khổ năm 2014

Hy Lạp sẽ đưa thêm vào một khoản cắt giảm chi tiêu mới trị giá 3,1 tỷ euro (tương đương 4,2 tỷ USD) nhằm chấm dứt cuộc suy thoái hiện nay.
Ngày 7/12, với tỷ lệ ủng hộ sát sao 153/300 phiếu, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua ngân sách khắc khổ cho năm 2014. Theo đó Hy Lạp sẽ đưa thêm vào một khoản cắt giảm chi tiêu mới trị giá 3,1 tỷ euro (tương đương 4,2 tỷ USD) nhằm chấm dứt cuộc suy thoái trầm trọng hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters


Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras nhấn mạnh Hy Lạp đã đạt được một số cải cách mà trước đây nhiều người cho là không thể như cải thiện khả năng cạnh tranh và giảm đáng kể thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, ngân sách năm 2014 của Hy Lạp còn phải chờ được bộ ba chủ nợ thông qua, đồng thời không loại trừ khả năng sẽ được điều chỉnh trong những tháng tới bằng việc phải áp dụng thêm một số biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới.

Trước đó, do không đạt được thỏa thuận với chính phủ Hy Lạp về dự thảo ngân sách năm 2014 nên đại diện bộ 3 chủ nợ quốc tế của Hy Lạp - gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) - quyết định hoãn chuyến thăm Athens tới tháng 1/2014.

Từ nay đến thời điểm đó, bộ ba chủ nợ sẽ cử "nhóm kỹ thuật" gồm các kiểm toán viên cấp cao tới Hy Lạp vào ngày 9/12 để nối lại việc đánh giá các cải cách mà Hy Lạp đã cam kết. Quyết định trên của EU, ECB và IMF tiếp tục làm trì hoãn các cuộc đàm phán về việc giải ngân gói cứu trợ trị giá 1 tỷ euro cho Hy Lạp vốn bị ngưng trệ từ tháng 6.

Athens và các nước chủ nợ hiện đang bất đồng về dự toán thâm hụt ngân sách năm 2014, cũng như các biện pháp khắc phục tình trạng thâm hụt tài chính này. Về dự toán thâm hụt ngân sách, Hy Lạp cho rằng con số này vào khoảng 500 triệu euro, chỉ bằng 1/3 so với con số do "bộ ba" đưa ra.

Hai bên cũng bất đồng về luật thuế tài sản mới, về quyền đấu giá tài sản của các con nợ, việc ngừng sản xuất trong khu vực nhà nước và quá trình tư nhân hóa diễn ra quá chậm. Bên cạnh đó, chính phủ Hy Lạp còn chịu thêm sức ép của bộ ba chủ nợ về việc nới lỏng thời gian tịch biên nhà cửa để thế nợ do việc này vấp phải sự phản đối của một số nghị sỹ trong đảng cầm quyền, động thái có thể làm ảnh hưởng đến sự thống nhất của liên minh bảo thủ - xã hội cầm quyền hiện nay.


Nguồn Báo Tin Tức


Sự kiện