Thứ Sáu | 06/07/2012 07:10

Hy Lạp thay đổi chiến thuật đàm phán lại các điều khoản cứu trợ

Chính phủ mới của Hy Lạp sẽ đẩy mạnh cải cách trước khi yêu cầu bộ ba chủ nợ thay đổi các điểu khoản đi kèm gói cứu trợ thứ 2.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yannis Stournaras cho biết chính phủ của họ sẽ phải đẩy mạnh cải cách trước khi yêu cầu bộ ba chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đàm phán lại một số điều khoản trong thỏa thuận cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro mà Athens nhận được từ các định chế này.

Nhắc lại lời Bộ trưởng Tài chính, Thủ tướng Stournaras cho biết "Hy Lạp không thể yêu cầu bất cứ điều gì từ các đối tác cho đến khi đưa chương trình cải cách về đúng hướng".

Trong một tuyên bố ngắn sau cuộc họp với nhóm Troika, Thủ tướng cam kết sẽ ổn định tài chính trong khi thúc đẩy phục hồi kinh tế, nhằm tạo ra công ăn việc làm và đảm bảo sự gắn kết xã hội, văn phòng Thủ tướng Samaras cho biết.

Thay đổi chiến thuật của Hy Lạp được đưa ra trong bối cảnh các quan chức EU và IMF đến Athens tuần này, lặp lại tuyên bố của Christine Lagarde, Giám đốc quản lý IMF rằng bà sẽ "không đàm phán hay tái đàm phán" về điều khoản của gói cứu trợ cho Hy Lạp.

Các quan chức Hy Lạp đã nhận thấy bầu không khí căng thẳng trong cuộc họp trước đó giữa Thủ tướng Samaras và bộ ba chủ nợ Troika về thỏa thuận lại các điều khoản của gói cứu trợ đầu tiên và sự miễn cưỡng của nhóm này trong việc cung cấp chương trình cứu trợ lần thứ 2 vào đầu năm nay.

Liên minh Chính phủ mới của Hy Lạp - gồm Đảng bảo thủ và 2 đảng cánh tả - tất cả đều cam kết trong suốt chiến dịch bầu cử của mình rằng sẽ thực hiện chương trình tăng trưởng trong 1 hoặc 2 năm để giảm bớt tác động của suy thoái 5 năm liên tiếp và tỷ lệ thất nghiệp trên 21%.

Dưới sự thách thức của phe đối lập cam kết từ chối gói cứu trợ, Thủ tướng Samaras kêu gọi cắt giảm thuế có mục tiêu, ngừng sa thải nhân viên khu vực công, giúp đỡ người nghèo, người thất nghiệp và xin gia hạn thêm 2  năm để cắt giảm thâm hụt tài chính. Để đổi lại, Thủ tướng đề nghị mở rộng và tăng tốc quá trình tư nhân hóa đất nước.

Tuy nhiên, Hy Lạp đã không thực hiện được các cải cách quan trọng đúng thời hạn, bao gồm cải cách quản lý thuế nhằm giảm tình trạng trốn thuế cao hàng năm, ước tính chiếm 5% sản lượng quốc gia - do 2 cuộc tổng tuyển cử trong 2 tháng qua. Mặc dù có sự kiểm soát tiêu dùng nhưng ngân sách năm nay vẫn thâm hụt do doanh thu giảm trong bối cảnh suy thoái sâu hơn vào suốt thời gian diễn ra chiến dịch bầu cử.

Hy Lạp đã lâm vào suy thoái năm thứ 5 liên tiếp và các quan chức cảnh báo nền kinh tế chìm trong khủng hoảng này có thể giảm 6,7% trong năm 2012, cao hơn nhiều so với dự báo giảm 4,5% trước đó.

Bộ ba chủ nợ của Hy Lạp cho biết chương trình cứu trợ có thể được điều chỉnh để bù khoảng thời gian đã mất do tiến hành 2 cuộc bầu cử và tình hình suy thoái sâu hơn dự kiến, nhưng họ sẽ không thay đổi nguyên tắc và mục tiêu chính.

Trưởng nhóm lực lượng đặc nhiệm EU cũng kêu gọi chính phủ Hy Lạp nhanh chóng thanh toán số tiền tồn đọng cho các nhà xuất khẩu để giảm bớt khủng hoảng tài chính mà các doanh nghiệp Hy Lạp đang phải đối mặt.

Sau quá trình đánh giá tình hình thực tế trong tuần này của EU và IMF, Hy Lạp sẽ tổ chức các cuộc đàm phán chi tiết vào cuối tháng 7 để thỏa thuận lại các chương trình cứu trợ. Athens sẽ phải chịu áp lực để đạt được thỏa thuận vào đầu tháng 8 hoặc có nguy cơ muộn hơn để giải ngân 4,2 tỷ euro khoản vay vào tháng trước, vốn bị hoãn lại cho đến khi một chính phủ có hiệu quả được thành lập. Nếu khoản vay này không được giải ngân, Hy Lạp có nguy cơ hết tiền mặt trong vài tuần.

Theo kế hoạch, sau cuộc tiếp xúc mở màn, ông Samaras sẽ tiếp tục đàm phán với các quan chức từ nhóm bộ ba đang giám sát những nỗ lực cải cách của Hy Lạp. Hiện chính phủ liên minh gồm 3 đảng do ông Samaras đứng đầu muốn dừng các biện pháp thắt lưng buộc bụng bổ sung, mà chính phủ tiền nhiệm từng cam kết với các chủ nợ để đổi lấy gói cứu trợ thứ hai.

Các quan chức Troika dự kiến sẽ rời Athens vào cuối tuần sau khi gặp Chính phủ mới của Hy Lạp, còn nhóm kỹ thuật sẽ ở lại để đánh giá việc tuân thủ của nước này đối với điều khoản của các gói cứu trợ. Thủ tướng Samaras sẽ trình bày chính sách của mình vào hôm nay 6/7 và việc bỏ phiếu tín nhiệm liên minh chính phủ sẽ diễn ra vào cuối ngày 8/7.

Nguồn FT/DVT


Sự kiện