Thứ Tư | 12/09/2012 14:17

Hy Lạp sắp cho thuê 40 hòn đảo để trả nợ

40 hòn đảo không có người ở sẽ đem cho thuê trong vòng 50 năm để giúp Hy Lạp trả nợ trong bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn.
Giám đốc điều hành Quỹ phát triển tài sản công của Hy lạp, ông Andreas Taprantzis cho biết quỹ này đã xem xét 562 trong số khoảng 6.000 hòn đảo thuộc chủ quyền của Hy lạp và "xác định được địa điểm của một số hòn đảo có địa hình tốt, gần đất liền, có cơ sở hạ tầng phát triển mà việc cho thuê không gây đe dọa đối với an ninh quốc gia".

Các hòn đảo này có diện tích từ 500.000 m2 đến 3 triệu m2 và có thể phát triển thành khu du lịch tổng hợp chất lượng cao trong thời gian thuê kéo dài từ 30 đến 50 năm, giám đốc Taprantzis cho biết.

Theo giám đốc Taprantzis, Quỹ phát triển tài sản công Hy Lạp sẽ không cân nhắc việc bán hoàn toàn các hòn đảo bởi lợi nhuận thu được từ việc bán không cao hơn so với cho thuê. Hy Lạp có thể thu hút đầu tư nhiều hơn nếu một hòn đảo được biến thành khu nghỉ mát.

Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras trước đó cũng cho biết việc khai thác thương mại một số hòn đảo có thể làm hài lòng những người cho vay để tiếp tục tài trợ cho nước này.

"Luật pháp hiện tại của Hy Lạp không cho phép bán hoàn toàn các hòn đảo này và chúng tôi cũng không muốn bán'', ông Andreas Taprantzis cho biết.

Các nhà lập pháp Hy Lạp cần thông qua luật cho phép bên thứ 3 phát triển tài sản công, đồng thời giảm thiểu các thủ tục cần thiết cung cấp giấy phép xây dựng, môi trường và quy hoạch để các dự án có thể được thực hiện nhanh chóng, ông Taprantzis nói thêm.

Quỹ phát triển tài sản công của Hy Lạp phải huy động được 50 tỷ euro (64 tỷ USD) từ việc bán hoặc cho thuê tài sản công vào năm 2020 để đáp ứng được những điều kiện đi kèm 2 gói viện trợ trị giá 240 tỷ euro của cộng đồng quốc tế.

Bán đất công từ lâu đã là một vấn đề nhạy cảm ở Hy Lạp. Năm 1996, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã gần đi đến chiến tranh do tranh chấp hòn đảo không người ở Aegean (theo cách gọi của Hy Lạp) hay Kardak (theo cách gọi của Thổ Nhĩ Kỳ).

Việc Hy Lạp trả nợ bằng cách bán đi một phần lãnh thổ của mình trong vùng biển Địa Trung Hải đã từng được các phương tiện truyền thông trên thế giới nhắc tới từ năm 2010. Tuy nhiên, đối với chính phủ Hy Lạp, chủ đề này trước đây là một điều cấm kỵ.

Athens đã luôn phẫn nộ, đồng thời khẳng định sẽ không có bất kỳ phần lãnh thổ nào được đem ra đấu thầu. Nhưng cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng hơn đã buộc chính phủ Hy Lạp phải xem xét lại khả năng này.

Chính phủ Hy Lạp dự kiến thu về 19 tỷ euro (23,8 tỷ USD) từ việc bán tài sản quốc gia mỗi năm, trong đó một nửa là bất động sản, đồng thời cắt giảm chi tiêu quốc phòng để đáp ứng các điều kiện trong gói cứu trợ. Chương trình bán tài sản quốc gia của chính phủ Hy Lạp được coi là chìa khóa để có được các khoản cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Trong tháng trước, chính phủ Hy Lạp cho biết sẽ bán một trong ba máy bay phản lực để cắt giảm chi phí quốc phòng nhằm cân bằng ngân sách quốc gia. Trước đó, ngân hàng Hy Lạp cho biết sẽ bán khu nghỉ mát hạng sang Athenian Riviera chuyên dành các nhà lãnh đạo và các ngôi sao điện ảnh nổi tiếng thế giới để trả khoản nợ 240 tỷ euro (305 tỷ USD) từ hai gói cứu trợ tài chính trong hai năm qua.

Nguồn Bloomberg/Khampha


Sự kiện