Hy Lạp ráo riết lập chính phủ liên minh khi sắp cạn tiền
Ngay sau cuộc bầu cử ngày hôm qua, ông Samaras phát biểu: "Người dân Hy Lạp đã bày tỏ mong muốn tiếp tục ở lại eurozone, vẫn là một phần của eurozone và tôn trọng cam kết của đất nước. Giờ không phải lúc cho những toan tính chính trị nhỏ nhặt."
Cuộc bỏ biếu hôm qua đã đặt người Hy Lạp vào tình thế buộc phải lựa chọn sau 5 năm suy thoái, lụa chọn thắt lưng buộc bụng để ở lại eurozone hoặc từ chối các điều khoản cứu trợ tài chính và rời khỏi liên minh. Các bộ trưởng tài chính châu Âu đã cam kết hỗ trợ Hy Lạp trong việc thực thi chính sách thắt lưng buộc bụng và vực dậy nền kinh tế.
Theo kết quả chính thức từ Bộ Nội vụ Athens dựa trên 85% số phiếu ngày hôm qua, Đảng Dân chủ mới và Pasok sẽ có 163 số ghế trong tổng số 300 ghế tại quốc hội nếu họ chấp nhận bắt tay với nhau. Bên cạnh đó, Đảng Dân chủ cánh tả, đã cam kết giúp Hy Lạp ở lại eurozone với điều kiện đất nước sẽ từ từ rút khỏi các biện pháp thắt lưng buộc bụng sẽ có 179 ghế tại quốc hội.
Kết quả bầu cử này buộc đảng Dân chủ và Pasok, từng là đối thủ của nhau trong suốt 4 thập kỷ, phải gạt bỏ những mâu thuẫn từ trước đến nay để ngăn chặn sự sụp đổ của nền kinh tế Hy Lạp. Dự kiến, lãnh đạo hai đảng sẽ bắt đầu đàm phán chính thực vào hôm 20/6 tới đây.
Trong khi các đảng phái tại Hy Lạp đang tìm cách thỏa thuận với nhau thì người đứng đầu Đảng Syriza, Alexis Tsipras, cho thấy đảng của ông vẫn sẽ đứng ở chiến tuyến đối lập. Ông Tsipras tuyên bố Syriza sẽ chống lại các chương trình cứu trợ tài chính đến cùng. Ông nhấn mạnh các khoản cứu trợ quốc tế sẽ không hỗ trợ được gì nhiều cho kinh tế Hy Lạp.
Khả năng ông Samaras thất bại trong việc thuyết phục lãnh đạo đảng chống cứu trợ Syriza, Tsipras, khiến thị trường lo ngại Hy Lạp có thể sẽ rời khỏi khu vực eurozone.
Tuy nhiên, các nước và các tổ chức tài chính lớn tỏ ra khá lạc quan về kết quả bầu cử của Hy Lạp. Các quan chức châu Âu hôm nay 18/6 tuyên bố sẵn sàng giảm bớt các điều khoản cho vay với điều kiện Hy Lạp tái cam kết thực hiện yêu cầu thắt lưng buộc bụng. Hiện tại, số lượng tiền mặt trong ngân hàng chỉ đủ để Athens cầm cự trong vài tuần.
Trong tuyên bố chính thức ngay sau cuộc bầu cử, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết: "Chúng tôi thực sự hoan nghênh và tôn trọng sự lựa chọn của người dân Hy Lạp. Chúng tôi tiếp tục coi Hy Lạp là một thành viên của đại gia đình Liên minh châu Âu (EU) và khu vực eurozone. Chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ Hy Lạp đạt được các mục tiêu kinh tế."
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng bày tỏ hoan nghênh với kết quả bầu cử và dự kiến sẽ làm việc với Chính phủ Hy Lạp mới để đưa đất nước trở lại con đường tăng trưởng kinh tế.
Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle hôm qua 17/6 cũng cho biết Berlin có thể cân nhắc cho Hy Lạp thêm thời gian để củng cố tài chính nếu chính phủ mới tuân thủ các nghĩa vụ theo chương trình cứu trợ của EU.
Tuy nhiên, ông Westerwelle nhấn mạnh các nhà cứu trợ có thể điều chỉnh thời hạn yêu cầu Hy Lạp đạt mục tiêu ngân sách, song tuyệt đối không hủy hiệp ước hay đàm phán lại.