Thứ Sáu | 11/04/2014 15:27

Hy Lạp quay trở lại thị trường nợ quốc tế: Thành công kinh tế hay sự tung hô của giới chính trị gia?

Chưa hẳn là một sự trỗi dậy về kinh tế, giới chính trị Hy Lạp đang tung hô sự kiện trên cho một mục tiêu duy nhất: các cuộc bầu cử.
Hy Lạp lần đầu tiên trở lại thị trường vay nợ quốc tế sau 4 năm vào ngày 10/4/2014 - Ảnh: Telegraph
Trở lại sau 4 năm

Vậy là cuối cùng, sau 4 năm vắng bóng, Hy Lạp đã chính thức quay trở lại trên thị trường vay nợ vào ngày hôm qua 10/4/2014. Sự kiện gợi nhắc lệnh cấm vay mượn trên thị trường nợ trung và dài hạn đối với Hy Lạp từng được áp đặt hồi tháng 6/2010, thời gian đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nợ.

Lần trở lại này được đánh dấu bằng khoản vay bằng trái phiếu kì hạn 5 năm, với giá trị lên tới 3 tỷ euro, lãi suất 4,95%. Đối với Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp, đây là con số đáng mừng bởi mục tiêu ban đầu là vay được 2,5 tỷ euro với lãi suất 5%.

Lòng dân hay niềm tin của nhà đầu tư?

Tuy nhiên, trong sự kiện đáng mừng đối với đất nước Hy Lạp lần này người ta quan sát thấy hai thanh âm trái ngược: trong khi giới chính trị gia ca tụng sự trở lại lần này vĩ đại như những vị thần đang trỗi dậy thì trái lại, người dân lại tỏ ra chưa mấy tin tưởng.

Những lời khen ngợi có thể được nghe ở khắp nơi từ tòa nhà Quốc hội, văn phòng cho đến các mặt báo, nhưng nếu ai đó muốn nghe người dân Hy Lạp đang thực sự nghĩ gì thì họ cần phải cần phải theo chân những người biểu tình xuống đường phố tại thủ đô Athens trong những ngày này.

Panayiotis - giáo sư trường công nghệ tại Athens, đồng thời cũng là một trong 20.000 người dân Hy Lạp tham gia buổi tuần hành biểu tình ngày 9/4 trên đường phố Athens cho biết: "Người ta ca ngợi sự trở lại thị trường (vay nợ) lần này như một phép màu kinh tế của năm nhưng khoản tiền (vay mượn) đó sẽ được sử dụng làm gì? Để trả cho những khoản nợ tiếp tục tăng lên mức cao lịch sử sao!". Và buổi sáng đúng một ngày sau đó, một quả bom xe đã phát nổ ngay trước trụ sở Ngân hàng Trung ương Hy Lạp, gần phòng làm việc của bộ ba "Troika".

Bất kể những tiếng phản đối dữ dội như trên, chính phủ liên minh của Thủ tướng Antonis Samaras hứa hẹn sự trở lại lần này sẽ là một thành công thực sự. Simos Kédikoglou - phát ngôn viên của chính phủ Hy Lạp tuyên bố: "Lãi suất trên thị trường đối với trái phiếu chính phủ của chúng tôi thể hiện niềm tin đang tồn tại đối với nền kinh tế Hy Lạp" do lãi suất trao đổi thực tế là 4,95% thấp hơn mức 5% được Bộ Tài chính Hy Lạp dự kiến trước khi phát hành. Hơn nữa, trong số trái phiếu được bán ra lần này, có đến "gần 90%" nhà đầu tư là người nước ngoài tham gia. Tỷ lệ trên cho thấy niềm tin của giới đầu tư vào khả năng thoát khủng hoảng của nền kinh tế Hy Lạp.

Kinh tế Hy Lạp được dự báo tăng trưởng dương 0,6% trong năm nay.
Kinh tế Hy Lạp được dự báo tăng trưởng dương 0,6% trong năm nay.
Sau 6 năm suy thoái, Hy Lạp lần đầu tiên đã cam kết thặng dư ngân sách (trừ các khoản nợ) đạt 1,5 tỷ euro trong năm 2013 và tổng sản phẩm trong nước (GDP) sẽ tăng trưởng 0,6% trong năm 2014.

Vì vậy, nghiệp vụ vay nợ của chính phủ Hy Lạp được đánh giá là ít rủi ro hơn. Một mặt, Hy Lạp sẽ tận dụng sự đầu tư trở lại từ khu vực đồng tiền chung châu Âu, như Bồ Đào Nha và Ireland từng thực hiện. Mặt khác, bản thân chính phủ Hy Lạp cũng đã lựa chọn phương án vay mượn hạn chế rủi ro hơn bằng cách vạch ra ngưỡng vay nợ mục tiêu không quá cao và chấp nhận thêm sự tham gia của các ngân hàng quốc tế lớn với vai trò tiếp cận nhà đầu tư để tìm hiểu mức giá và lượng trái phiếu sẵn sàng mua. Theo Thibault Mercier đến từ BNP Parisbas, với kiểu hoạt động như vậy, "rủi ro gần như bằng không vì lượng cầu đã được biết từ trước".

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc nền kinh tế Hy Lạp đã hoàn toàn lấy lại niềm tin trên thị trường. Với tỷ lệ nợ công chiếm đến 175% GDP, Hy Lạp khó có thể thoát khỏi tình trạng nợ nần nếu không có một cuộc tái cấu trúc mới, Jesus Castillo đến từ ngân hàng Natixis cho biết.

Báo chí Hy Lạp cho rằng, đây dường như là một chiến thuật quan trọng của Thủ tướng nước này với mục tiêu nhằm ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế trở lại, được gọi là "Baltakogate" trong bối cảnh cuộc bầu cử chính quyền thành phố và châu Âu vào tháng Năm đang tới gần.

Do vậy, sự tung hô của giới chính trị càng chứng tỏ rằng sự quay trở lại thị trường nợ quốc tế thiên về mục đích chính trị nhiều hơn. Trong khi đó, một thông điệp khác cũng gửi đến thị trường rằng, đại gia đình khối đồng tiền chung châu Âu đang bảo vệ Hy Lạp và có thể, họ sẽ mua nợ của chính phủ Hy Lạp, bất kể niềm tin của thị trường như thế nào chăng nữa.

Tuy nhiên, một thứ niềm tin quan trọng hơn của quần chúng nhân dân Hy Lạp thì chính phủ nước này vẫn chưa nắm lại được và nên nhớ, bất kể lãi suất vay mượn cao hay thấp thì chính người dân Hy Lạp mới là những người phải trả nợ trong tương lai và việc Hy Lạp có thực sự đứng lên từ vũng bùn suy thoái hay không cũng được đặt lên vai họ.

Mà cứ cho đó là câu chuyện của tương lai thì thực tại của nền kinh tế Hy Lạp cũng chưa mấy lạc quan. Nợ công được dự báo ở 177% GDP trong năm nay, tỷ lệ thất nghiệp năm 2013 vẫn ở 27,3% (cao nhất từ khủng hoảng 2008) và đất nước đã chìm sâu trong giảm phát từ hơn một năm nay. Cho nên, ngoài việc sử dụng đồng tiền vay mượn sao cho hiệu quả, chính phủ Hy Lạp cần đột phá hơn trong việc giải quyết những vấn đề nội tại của nền kinh tế, cũng như lấy lại niềm tin nơi dân chúng để sao cho, số tiền vay ngày 10/4 sau 5 năm có thể được hoàn trả chứ không cần thêm những khoản cứu trợ từ bộ ba Troika như những lần trước đó.

Nguồn Gafin-NCĐT


Sự kiện