Thứ Hai | 29/06/2015 16:21

Hy Lạp nợ nước ngoài bao nhiêu tiền?

Hy Lạp, đang đứng gần nguy cơ vỡ nợ hơn bao giờ hết, hiện đang nợ nước 243 tỷ euro (271 tỷ USD), trong đó Đức là chủ nợ lớn nhất.

Con số trên bao gồm cả các khoản nợ thuộc 2 gói cứu trợ của chính phủ các nước châu Âu và IMF từ năm 2010 cũng như lượng trái phiếu chính phủ Hy Lạp mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương khác trong khu vực eurozone đang nắm giữ.

Các nhà đầu tư tư nhân hiện đang nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ Hy Lạp trị giá 38,7 tỷ euro sau khi đã giảm trừ và hoán đổi nợ năm 2012, giúp giảm 107 tỷ euro trong tổng số nợ của Hy Lạp và giá trị nợ tư nhân cũng giảm 75%.

Chính phủ Hy Lạp cũng đã phát hành 15 tỷ euro trái phiếu ngắn hạn, chủ yếu cho các ngân hàng trong nước.

IMF cam kết cho Hy Lạp vay 48,1 tỷ euro, trong đó 16,3 tỷ euro sẽ được giải ngân vào tháng 3/2016 nếu Athens thực hiện thành công chương trình cải cách kinh tế lần thứ 2. Ngày 30/6, Hy Lạp sẽ phải thanh toán khoản nợ 1,6 tỷ euro cho IMF.

Lãi suất của các khoản vay từ IMF hiện là 3,5%, cao hơn so với lãi suất cứu trợ thông thường trong eurozone.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đang nắm giữ 18 tỷ euro trái phiếu Hy Lạp, song giá trị lượng trái phiếu này sẽ giảm đáng kể nếu nước này rời khỏi eurozone. Lượng trái phiếu Hy Lạp trị giá 6,7 tỷ euro sẽ đáo hạn vào tháng 7 và tháng 8.

Chủ tịch ECB Mario Draghi mới đây cho biết, các ngân hàng Hy Lạp đã vay đến 118 tỷ EURO từ ngân hàng trung ương nước này, kể cả 89 tỷ euro thuộc gói Hỗ trợ Thanh khoản Khẩn cấp (ELA). Trách nhiệm thanh toán món nợ này thuộc về ngân hàng trung ương Hy Lạp với điều kiện Hy Lạp vẫn ở lại khu vực eurozone. Nếu Hy Lạp phải ra khỏi khu vực đồng tiền chung, khoản nợ này sẽ trở thành gánh nặng cho các nước khác trong khối, kể cả Đức.

Năm 2010, chính phủ các nước eurozone đã cấp cho Hy Lạp gói cứu trợ thứ nhất trị giá 52,9 tỷ euro. Năm 2012, Athens tiếp nhận gói cứu trợ thứ 2 trị giá 141,8 tỷ euro. Nước này sẽ nhận được thêm 1,8 tỷ euro vào ngày 30/6 nếu đáp ứng đượ các điều kiện, nhưng Hy Lạp đã gây ngạc nhiên khi không chấp nhận những điều khoản trên bàn đàm phán.

Trong 2 gói cứu trợ nêu trên, Đức góp 57,23 tỷ euro, Pháp 42,98 tỷ USD, Ý 37,76 tỷ euro và Tây Ban Nha 25,1 tỷ euro. Bên cạnh đó, các nước này còn đóng góp cho các khoản vay mà IMF dành cho Hy Lạp, tương ứng theo hạn ngạch của từng nước.

Các nước eurozone đã gia hạn đối với các khoản vay của Hy Lạp từ 15-30 năm và giảm lãi suất một số khoản vay xuống mức chỉ cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với chi phí đi vay của chính các nước này. Hy Lạp cũng được hoãn thanh toán lãi nợ trong thời gian 10 năm đối với khoản cứu trợ thứ 2 từ quỹ cứu trợ eurozone.

Hy Lạp đã đề nghị các nước châu Âu cấp thêm gói cứu trợ và IMF ủng hộ đề xuất này. Nhưng các nước eurozone cho biết, họ sẽ chỉ thảo luận đề xuất này nếu Athens thắt chặt ngân sách hơn nữa.

Phan Nguyễn

Nguồn Reuters