Chủ Nhật | 13/05/2012 14:05

Hy Lạp nên ra đi hay ở lại eurozone?

Bế tắc chính trị và khủng hoảng tài chính của Hy Lạp tiếp tục gây sức ép cho cả khu vực và đồng tiền chung euro.
Hy Lạp được ghi nhận là quốc gia khai sáng cho thế giới về khái niệm nền dân chủ và rất nhiều những nguyên tắc cơ bản của một xã hội văn minh. Nhưng hiện nay, với một nền kinh tế ở trong tình trạng suy thoái nặng nề, Hy Lạp được ví như “con sâu làm rầu nồi canh” của châu Âu và nhiều người đã bắt đầu đặt câu hỏi liệu có đáng phải tiêu tốn hàng tỷ đô la để cứu đất nước này thoát khỏi khủng hoảng hay không? Và điều gì sẽ xảy ra nếu Hy Lạp ra khỏi Liên minh châu Âu?

Tại sao nên ra đi?

Thứ nhất, Hy Lạp không có vị trí quan trọng trong khu vực. Nước này không có mỏ dự trữ dầu lớn, nông nghiệp và du lịch mang lại nguồn thu chính cho người dân nước này. Kinh tế nước này cũng chỉ chiếm 5% của toàn khu vực.

Vị trí chiến lược trên rìa vịnh Balkan cũng không còn có ý nghĩa nhiều nữa khi mà cuộc chiến tranh lạnh đã kết thúc từ lâu. Giới phê bình đặt câu hỏi rằng liệu chính Hy Lạp có quyết tâm và khả năng để ở lại khu vực châu Âu hay không. Những đảng chính của Hy Lạp - cam kết sẽ nhận những gói cứu trợ tài chính của Liên minh châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế, đã thất bại thảm hại trong cuộc bầu cử chủ nhật tuần trước.

Những chuyên gia của Hy Lạp dự đoán sẽ không hình thành một chính phủ liên minh và những cuộc bầu cử mới cũng với những biện pháp thắt lưng buộc bụng trị giá 15 tỷ USD sẽ diễn ra. 

Phần lớn người dân Hy Lạp, khoảng 70% cho biết họ muốn đất nước mình ở lại khu vực châu Âu. Một số ít lại ủng hộ cho những đảng phản đối chính sách tiết kiệm được Berlin áp dụng. Họ cho rằng liều thuốc này chỉ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Liệu những gói cứu trợ tài chính tưởng chừng như vô tận này có phải là giải pháp thông minh, hay chỉ làm tình hình tồi tệ kéo dài mãi mãi khi mà nhưng khoản nợ cũ được thay thế bởi những khoản nợ mới lớn hơn gấp nhiều lần.

Một phân tích tuyệt mật được thực hiện bởi Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng trung ương châu Âu và Ủy ban châu Âu vào tháng 2 đánh giá rằng những khoản nợ của Hy Lạp sẽ lên 129% GDP vào năm 2020 và có thể còn leo lên mức 160%. Phân tích này cũng dự đoán rằng Hy Lạp sẽ cần khoảng 175 tỷ USD để tồn tại trong hai năm tiếp theo.

d

Một vài người tranh luận rằng nếu Hy Lạp chỉ sử dụng đồng euro thì nước này sẽ không bao giờ có thể đạt được lợi thế cạnh tranh. Nghiên cứu được thực hiện bởi ngân hàng đầu tư Goldman Sachs kết luận rằng Hy Lạp cần phải đạt được tỷ lệ mất giá 30% trong tỷ giá ngoại tệ để có thể đạt được sự canh tranh.

Nhà kinh tế người Mỹ Kenneth Rogoff cho rằng Athens nên được cho phép rút khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu nhưng vẫn nên ở lại liên minh châu Âu, điều này sẽ cho phép nước này sử dụng lại đồng drachma với một tỷ giá thấp hơn rất nhiều so với đồng Euro, do đó thu hút du lịch một cách mạnh mẽ hơn. Lập luận này cũng nhận được sự ủng hộ từ Hans-Werner Sim, người đứng đầu của nhóm học giả IFO.

Lý lẽ thứ tư được đưa ra là, chính quyền Hy Lạp hiện không đủ chức năng để thực hiện những nghĩa vụ to lớn của quốc gia này. Hy Lạp hiện phải đối mặt với những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng như một hệ thống thuế hầu như không hoạt động, công đoàn lao động ngoan cố và nạn tham ô, hối lộ tràn lan đã kéo dài hàng thập kỷ qua.

Hy Lạp liên tục thất hứa trong việc tiến hành tư nhân hóa ngành công nghiệp nhà nước. Chế độ xã hội Hy Lạp đang bắt đầu có những dấu hiệu tan rã và nước này còn phải đối mặt với vấn đề ngày một nghiêm trọng về bạo lực xã hội và thêm vào đó là một trật tự chính trị không ổn định.

Tình trạng hỗn loạn tưởng như không có hồi kết này ảnh hưởng rất xấu đến tâm lý của những thành viên khác ở phía Nam của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Những cuộc thương lượng để tái cơ cấu những khoản nợ của Hy Lạp đã khiến cho những nhà đầu tư quốc tế thận trọng trong việc việc mua lại những khoản nợ của các nước Nam Âu khác. Tờ Financial Times tháng trước cho biết các nhà đầu tư đã rút khỏi thị trường trái phiếu thứ cấp của châu Âu 130 tỷ USD trong vòng 2 năm vừa qua.

Ở lại sẽ mang lại những gì cho Hy Lạp và châu Âu?

Một nhà phân tích cho biết những cử tri Hy Lạp đã rất chán nản với khủng hoảng nhưng điều đó không có nghĩa là họ phản đối việc nước này là một phần của khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Họ nhận thức được rằng sẽ mất hết tiền tiết kiệm của mình nếu đồng drachma mất giá thay thế đồng euro và các ngân hàng của Hy Lạp sẽ sụp đổ. Vì vậy cần phải phân biệt rõ sự yếu thế của nhưng Đảng chính trị lâm thời với những vấn đề của gói cứu trợ tài chính và khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Thứ hai là, không có một kịch bản nào cho việc từ bỏ tiền tệ duy nhất và không có quy tắc nào cho việc trục xuất một quốc gia ra khỏi khu vực. Một chính phủ Hy Lạp mới, nếu như tiếp tục không thể trang trải các khoản nợ của mình, sẽ tự động phải rút lui khỏi khu vực nhưng quy trình đó hoàn toàn không đơn giản. Và những công ty Hy Lạp đang có lợi thế từ một thị trường duy nhất sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

sdf
Thêm vào đó, không có gì đảm bảo rằng việc trục xuất Hy Lạp ra khỏi eurozone sẽ loại bỏ những áp lực lên các thành viên khác. Nếu Hy Lạp ra khỏi khu vực, việc đó sẽ nói lên điều gì với Bồ Đào Nha, Italia, Tây Ban Nha và Ireland? Cả châu Âu bao gồm cả thị trường chung sẽ phải đối mặt với nguy cơ tan rã. Italia, Tây Ban Nha và cả Bồ Đào Nha đang ở giữa tiến trình tái cấu trúc đầy khó khăn, tuần vừa rồi chính phủ Tây Ban Nha công bố sẽ phải can thiệp để cứu ngân hàng lớn thứ ba của nước này.

Tình huống xấu nhất có thể xảy ra là một liên minh ngày càng trở nên chặt chẽ hơn mà châu Âu đang hướng tới sẽ dần dần tan rã.

Có thể có cách giải quyết khả dĩ nào cho tình huống này nhưng điều đó đòi hỏi sự biến chuyển dần dần từ tình trạng phải thắt lưng buộc bụng đến sự tăng trưởng để thuyết phục người dân Hi Lạp rằng tình trạng khủng hoảng này sẽ không kéo dài mãi mãi.

Châu Âu cần phải chỉ cho Hy Lạp thấy rằng họ có quyền hi vọng và tương lai sẽ không chỉ có khó khăn chồng chất. Sẽ phải có những biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng, ví dụ như nhưng dự án đầu tư châu Âu vào cơ sở hạ tầng và hỗ trợ những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang khát vốn nhờ vào Ngân hàng đầu tư châu Âu. Ngân hàng trung ương châu Âu nên tiếp tục giúp đỡ những ngân hàng của Hy Lạp.

Năm tới, bà Angela Merkel sẽ tiếp tục ứng cử cho nhiệm kỳ thứ ba trên cương vị Thủ tướng Đức. Nếu trúng cử, bà này sẽ được tự do hơn để ủng hộ thúc đẩy tăng trưởng.

Thậm chí với một không khí chính trị thù địch, thất nghiệp hàng loạt và biểu tình đường phố, Hy Lạp thực ra vẫn đang có những tiến triển nhất định. Theo như Ngân hàng trung ương, nền kinh tế sẽ ngừng thu hẹp lại vào năm 2013. Nhưng từ giờ đến năm 2013 còn là một chặng đường dài và đây là những bước đi đầu tiên hướng tới sự phục hồi.

Nguồn CNN/DVT


Sự kiện