Chủ Nhật | 11/11/2012 14:13

Hy Lạp lại vấp khó khăn mới trong nỗ lực giảm nợ

Hy Lạp vẫn đứng trước vô vàn khó khăn và không có giải pháp nào là dễ dàng để nước này đưa nợ về mức bền vững.
Sau khi Quốc hội thông qua gói các biện pháp khắc khổ, Hy Lạp đã tránh được nguy cơ vỡ nợ, song vẫn không có gì chắc chắn về khả năng thanh toán nợ của nước này khi bản thân các nhà tài trợ quốc tế cũng chưa thống nhất với nhau về con số cụ thể về núi nợ của Hy Lạp.

Với số nợ hiện nay ước tính tương đương khoảng 175% GDP và dự kiến sẽ tăng lên gần 190% GDP vào năm tới, Hy Lạp sẽ rất khó đạt mục tiêu hạ tỷ lệ nợ xuống 120% GDP vào năm 2020, mức mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho là có thể ổn định về dài hạn.

Bộ ba nhà tài trợ quốc tế là Liên minh châu Âu (EU), IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào tháng Bảy vừa qua nói rằng Hy Lạp sẽ không đạt được mục tiêu đó, khi đưa ra ước tính ban đầu là nợ của nước này ít nhất sẽ ở mức 130% GDP vào năm 2020.

Hiện các nhà tài trợ vẫn không thống nhất về cách tính toán mức nợ của Hy Lạp, khiến các con số mà IMF và EU đưa ra chênh nhau tới 20 điểm phần trăm, tương đương với khoảng 40 tỷ euro. Nếu Hy Lạp không thể đạt mục tiêu về thâm hụt, IMF có thể cắt viện trợ cho Hy Lạp, điều lại sẽ đẩy nước này và khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vào tình trạng rối loạn.

Khác biệt giữa các nhà tài trợ có thể đẩy xa hơn thời điểm Hy Lạp nhận được khoản giải ngân tiếp theo trị giá 31,5 tỷ euro trong gói cứu trợ thứ hai, một lần nữa đặt nước này gần hơn với nguy cơ phá sản. Gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp đã bị đóng băng vào tháng Ba năm nay, do các cuộc bầu cử và tiến độ cải cách chậm chạp ở Hy Lạp.

Sau khi thông qua gói các biện pháp khắc khổ vào ngày 7/11 vừa qua, Quốc hội Hy Lạp sẽ phải thông qua ngân sách khắc khổ của năm 2013 trước khi gói cứu trợ được khởi động trở lại.

Các yêu cầu khác sẽ là sự nhất trí của các bên về mức nợ của Hy Lạp cũng như một thỏa thuận về các cách thức giảm bớt số nợ. Hy Lạp cần khoản vay tiếp theo trước cuối tuần tới, song các quan chức ở Eurozone nói dù chưa nhận được thêm tiền nước này vẫn có thể cầm cự lâu hơn thời điểm đó.

Một số giải pháp nhằm giúp Hy Lạp giảm nhanh hơn gánh nặng nợ nần đã được đưa ra. Giải pháp thứ nhất đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi và sẽ được quyết định trong vài tuần tới là hạ lãi suất các khoản vay dành cho Hy Lạp hơn nữa và kéo dài thời hạn thanh toán cho đến khi nền kinh tế nước này phục hồi. Điều này là tích cực cho Hy Lạp, song sẽ không đủ để hạ tỷ lệ nợ xuống mức có thể chấp nhận.

Giải pháp thứ hai là ECB sẽ chuyển lợi nhuận khoảng 12 tỷ euro có được từ số trái phiếu của Hy Lạp mà ngân hàng đã mua trong ba năm qua cho các ngân hàng trung ương và cuối cùng là chuyển cho Hy Lạp. Tuy nhiên, số tiền này cũng là không đủ để giảm đáng kể số nợ cho Hy Lạp.

Giải pháp thứ ba là các nước thành viên Eurozone đã cho Hy Lạp vay 127 tỷ euro theo các chương trình cứu trợ sẽ xóa một phần số nợ này. Cách này sẽ chuyển gánh nặng lên vai người đóng thuế, vì thế sẽ chỉ là giải pháp cuối cùng.

Một giải pháp khác là cho Hy Lạp vay tiền từ quỹ cứu trợ với lãi suất thấp và dùng số tiền có được mua lại nợ. IMF phản đối giải pháp này do lo ngại cách này sẽ trì hoãn chứ không giải quyết vấn đề.

Rõ ràng là Hy Lạp vẫn đứng trước vô vàn khó khăn và không có giải pháp nào là dễ dàng để nước này đưa nợ về mức bền vững.

Nguồn TTXVN


Sự kiện