Hy Lạp đệ trình kế hoạch cải cách đổi lấy cứu trợ
Quốc hội Hy Lạp sẽ bỏ phiếu thông qua bản dự thảo này vào thứ Sáu 10/7.
Chủ tịch nhóm bộ trưởng tài chính Eurogroup, Jeroen Dijsselbloem, xác nhận đã nhận được bản đề xuất của Hy Lạp, và cho biết sẽ không đưa ra bất cứ bình luận nào cho tới khi có kết quả đánh giá của các chuyên gia của Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và IMF.
Bản đề xuất mới của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras bao gồm các biện pháp tăng thuế, cải cách lương hưu và tự do hóa kinh tế với hy vọng Hy Lạp sẽ “sống sót” và ở lại khu vực đồng tiền chung.
Quốc hội Hy Lạp vẫn cần bỏ phiếu thông qua đề xuất vào tuần tới nếu các nhà lãnh đạo eurozone đồng ý trong cuộc họp hôm Chủ nhật tới đây, tạo cơ sở cho việc bắt đầu các cuộc đàm phán về gói cứu trợ thời hạn 3 năm và giải ngân khoản tiền khẩn cấp để cứu Hy Lạp.
Các ngân hàng Hy Lạp đã phải đóng cửa từ hôm 29/6 khi chính phủ áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn và hạn chế rút tiền mặt. Sau khi không thể thanh toán khoản nợ cho IMF hôm 30/6, Hy Lạp lại đang phải đối mặt với khoản nợ của ECB, phải thanh toán vào 20/7 tới - không thể trả được nếu không nhận được gói cứu trợ.
Hy Lạp đã nhận được 2 gói cứu trợ trị giá 240 tỷ euro từ các nước eurozone và IMF từ năm 2010, nhưng tăng trưởng kinh tế của nước này đã giảm 25% và tỷ lệ thất nghiệp hiện tăng lên 25% và cứ 2 người trẻ thì có một người thất nghiệp.
Trong khi đó, Đức, chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp, cũng có động thái nhượng bộ khi thừa nhận rằng Hy Lạp cần phải tái cơ cấu nợ như một phần trong chương trình mới nhằm vực dậy tài chính công trong trung hạn.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk - người sẽ chủ trì phiên họp khẩn eurozone vào Chủ nhật để quyết định số phận Hy Lạp, cũng kêu gọi dành cho Athens thêm khoản cứu trợ như một phần trong thỏa thuận vay nợ mới. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, đề xuất của Hy Lạp sẽ phải phù hợp với yêu cầu thực tế từ phía chủ nợ.
Nếu không đạt được thỏa thuận, các nhà lãnh đạo 28 nước thành viên EU sẽ phải thảo luận các biện pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực khi Hy Lạp “sụp đổ”, kể cả cứu trợ nhân đạo, kiểm soát biên giới và các biện pháp giảm thiểu tác động lên các nước láng giếng, theo các quan chức ECB.
Phan Nguyễn
Nguồn Reuters