Hy Lạp dẫn đầu Eurozone về tỷ lệ nợ công
Nicholas Spiro, giám đốc quản lý công ty tư vấn Chiến lược Quốc gia Spiro, nhận xét rằng, sự gia tăng trong nợ công kể từ cuộc khủng hoảng tài chính của Hy Lạp năm 2009 thật đáng kinh ngạc. Các nước đối tác dự báo, tỷ lệ nợ công/GDP sẽ giảm mạnh xuống dưới 110% đến năm 2022.
Tháng 11/2012, khi chính phủ Hy Lạp đăng ký mục tiêu thặng dư ngân sách chính (không bao gồm chi phí vay nợ), các đối tác trong khu vực đồng euro của Hy Lạp cho biết sẽ xem xét thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhằm giúp nước này đạt được mục tiêu đã đề ra bằng thỏa thuận cứu trợ.
Trong nỗ lực tìm cách thúc đẩy chính phủ liên minh hai đảng, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras hy vọng rằng, các biện pháp cắt giảm chi phí mà ông đưa ra sẽ có hiệu quả trước khi cuộc bầu cử lập pháp châu Âu diễn ra vào tháng tới. Chính phủ Hy Lạp cho biết, năm 2013, thặng dư ngân sách chính đạt 2,9 tỷ euro (4 tỷ USD) năm ngoái. Hôm nay, Ủy ban châu Âu sẽ xác nhận lại con số này.
Số liệu công bố ngày 23/4 cho biết, năm 2013, thâm hụt của Hy Lạp đã tăng lên 12,7% so với GDP, cao hơn nhiều so với tỷ lệ của năm 2012 là 8,9%. Con số này bao gồm chi phí tái cấp vốn của các ngân hàng tại Hy Lạp. Nếu không tính thêm chi phí này, Ủy ban châu Âu dự báo, thâm hụt của Hy Lạp trong năm 2014 sẽ giảm xuống 2,2% so với GDP.
Ông Samaras cũng dự báo, đến năm 2015, kinh tế Hy Lạp sẽ có cả thặng dư ngân sách chính và thặng dư tài chính. Điều này đồng nghĩa với việc Hy Lạp có thể tự mình trả nợ mà không cần vay nước ngoài. Hy Lạp đã tiến hành công cuộc tái cơ cấu nợ công lớn nhất thế giới và nhận 240 tỷ euro tiền cứu trợ tính đến thời điểm hiện tại. Để nhận được các khoản cứu trợ, Hy Lạp phải đối mặt với một loạt các điều kiện kinh tế như cải cách thị trường lao động và mục tiêu ngân sách.
Trong những tuần gần đây, kinh tế Hy Lạp đã tạo được đà phục hồi. Tháng 4, lần đầu tiên trong 4 năm, chính phủ tiến hành bán trái phiếu và dự báo, trong năm 2014, Hy Lạp sẽ thoát khỏi cuộc suy thoái kéo dài trong 6 năm.
Số liệu công bố ngày hôm nay cũng khẳng định rằng, các nền kinh tế dễ bị tổn thương khác của khu vực đồng euro cũng vẫn phải đối mặt với vấn đề kiểm soát nợ. Ý vẫn là nước có mức nợ công cao thứ 2 của khu vực với tỷ lệ nợ công/GDP tăng lên 132,6% trong năm 2013.
Bồ Đào Nha xếp vị trí thứ 3 với tỷ lệ nợ công/GDP tăng lên 129%, sau đó là Ireland với tỷ lệ nợ công/ GDP tăng lên 123,7%. Cả hai nước đều nhận các gói cứu trợ quốc tế trong thời kỳ khủng hoảng tại khu vực châu Âu lên đỉnh điểm.
Số liệu cũng cho thấy, một số nước thuộc khu vực đồng euro đang đấu tranh để giảm thâm hụt ngân sách. Theo đó, năm 2013, thâm hụt ngân sách của Pháp giảm xuống 4,3% và thâm hụt của Tây Ban Nha giảm xuống 7,1%.
Nguồn Gafin/ Bloomberg/ DVO