Hy Lạp đã khiến giới đầu tư mất 897 tỷ USD
Chỉ số Stoxx Europe 600 diễn biến từ mức tăng lớn nhất hàng quý kể từ 2009 xuống tháng 6, tháng tồi tệ nhất trong 2 năm qua. 1/3 mức tăng trong năm nay đã bị xóa sạch khi chỉ số giảm 7,8% từ mức cao kỷ lục hôm 15/4 vừa qua.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán nợ Hy Lạp rơi vào bế tắc, một số quan chức coi phiên họp hôm thứ Năm 18/6 của các bộ trưởng tài chính là cơ hội cuối cùng để quyết định số phận khoản cứu trợ Hy Lạp. Bất kỳ giải pháp nào cũng là tin tốt đối với các nhà quản lý tiền tệ vốn đang mong hưởng trái ngọt từ chương trình kích thích của Chủ tịch ECB Mario Draghi trong năm 2015.
Khi sự biến động của thị trường chứng khoán châu Âu lên mức kỷ lục so với chứng khoán Mỹ, giới đầu tư ngày càng chuyển sang tiền mặt. Chỉ số ASE Hy Lạp - từng là chỉ số có mức tăng tốt nhất ở Tây Âu tính đến tháng 5 - giờ đây đang có hiệu quả hoạt động tồi tệ nhất trên thế giới trong năm nay.
Một thỏa thuận giữa quốc gia Địa Trung Hải này và các chủ nợ không thể đạt được vào hôm thứ Năm 18/6 và các quan chức từ Hà Lan đến Bồ Đào Nha cho biết, họ đang chuẩn bị cho sự thất bại trong các cuộc đàm phán. Các cuộc thảo luận sẽ diễn ra ngắn gọn vì các chủ nợ vẫn đang chờ Thủ tướng Hy Lạp trả lời về các đề xuất của họ, một quan chức EU cho biết.
Một phiên họp thượng đỉnh khác của các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 25-26 tháng này.
Thủ tướng Hy Lạp Tsipras sẽ không thay đổi những điều khoản cần thiết để mở khóa khoản cứu trợ 7,2 tỷ euro (8,1 tỷ USD) và tuyên bố ông sẵn sàng bác bỏ các điều khoản này nếu chúng không thể chấp nhận được. Ngân hàng trung ương Hy Lạp đã cảnh báo về tình trạng cạn tiền khi chương trình cứu trợ hiện tại hết hạn vào cuối tháng 6 này.
Nhà đầu tư cần sự giải thích rõ ràng, xấu hoặc tốt. Sự bất ổn là điều tồi tệ nhất đối với thị trường chứng khoán vì bạn không biết phải đặt vị thế như thế nào. Đây là tình huống chúng ta chưa từng thấy trước đây, Soeren Steinert, giám đốc phụ trách giao dịch chứng khoán tại Quoniam Asset Management GmbH ở Frankfurt cho hay.
Nếu khủng hoảng Hy Lạp không xảy ra, viễn cảnh chứng khoán châu Âu có vẻ tốt. Chương trình kích thích của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đang giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và giới phân tích dự đoán rằng chương trình này sẽ giúp doanh thu tăng trưởng trên 10% trong 3 năm tới.
Những gì nhà đầu tư đều cần một giải pháp, theo Javier Barrio, thương nhân chứng khoán tại Banco BPI SA ở Madrid cho biết.
Nếu các cuộc đàm phán đổ vỡ, thị trường sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong ngắn hạn, nhưng đó có thể cũng là thời điểm nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi để nhảy vào. Bức tranh vĩ mô vẫn đang được cải thiện, ông Barrio nói.
Phan Nguyễn
Nguồn Bloomberg