Hy Lạp có thể ra đi trong im lặng?
Tuy nhiên, những tác động trong ngắn hạn là điều khủng khiếp đối với cả Hy Lạp và kinh tế toàn cầu. Một Hy Lạp “hậu euro” có thể gặp khó khăn trong việc nhập khẩu thực phẩm và nhiên liệu với việc hoạt động thường ngày bị chuyển sang hình thái trao đổi hàng hóa và dịch vụ, chính phủ cũng không thể trả cho người lao động thứ họ muốn.
Với cuộc sống bị đảo lộn chỉ sau 1 đêm, xã hội Hy Lạp rất có thể sẽ rơi vào hỗn loạn. Theo Tyson Barker đến từ quỹ Bertelsmann, thậm chí Hy Lạp có thể rơi vào trạng thái giống với Cuba với việc sử dụng nhiều loại tiền tệ hoặc trở thành nền kinh tế trao đổi ít nhất là trong những ngày đầu.
Các công ty tư nhân và nước ngoài trong đó có Anh và Mỹ đã lên kế hoạch ứng phó với sự sụp đổ của Hy Lạp, nhưng Hy Lạp ở trong một vị thế mong manh hơn nhiều. Tuần trước, người gửi tiền đã bắt đầu ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng, khách du lịch không đến Hy Lạp, nhà xuất khẩu đòi hỏi phải trả tiền trước.
Tự nguyện ra đi hay bị trục xuất?
Trong lý thuyết, không có điều khoản nào trong hiệp ước EU qui định các nước còn lại “đá” một nước ra khỏi khối. Nhưng trong thực tế, giới phân tích và các quan chức cho biết EU có thể làm Hy Lạp tê liệt bằng cách không cho nước này tiếp cận các khoản vay của ECB.
Điều này có thể dẫn đến Hy Lạp bắt buộc phải tự phát hành tiền do không còn cách nào khác để chi trả cho người lao động hoặc cung cấp đủ tiền mặt để duy trì nền kinh tế. Ở mức độ đó, Hy Lạp sẽ cố gắng đổi tất cả các khoản nợ trong nước và nợ nước ngoài sang đồng tiền mới có giá trị bị sụt giảm mạnh. Các chủ nợ quốc tế sẽ chỉ còn biết kêu gào.
Kể cả quá trình sản xuất đồng tiền mới cũng gây ra rắc rối. Bất cứ tổ chức nước ngoài nào được thuê để in đồng drachma chắc chắn cũng sẽ yêu cầu trả tiền trước.
Như một số nước không thuộc eurozone chẳng hạn như Montenegro, đồng euro có thể vẫn là đồng tiền chủ đạo trong hầu hết các giao dịch. Tuy nhiên, đồng tiền này không thể được sử dụng để trả lương do thiếu hụt nguồn cung và nằm ngoài kiểm soát của chính phủ.
Đóng cửa biên giới, bạo loạn trên đường phố?
Có thể đóng cửa biên giới để tránh việc người dân Hy Lạp buôn lậu euro để cất giấu ở 1 nơi khác an toàn hơn là điều cần thiết. Tuy nhiên, với biên giới hàng trăm dặm, phần lớn là núi, rừng và bụi rậm khó tiếp cận, các lực lượng an ninh không thể kiểm soát hết.
Đồng thời, cảnh sát sẽ phải kiểm soát vi phạm chính trị và tội phạm tăng đột biến. Chính phủ có thể sẽ quyết định triển khai quân đội trên các tuyến phố trong nỗ lực đem lại sự yên bình. Tuy nhiên, quân đội Hy Lạp không được thiết kế để sử dụng vào việc này, họ được huấn luyện để chiến đấu với Thổ Nhĩ Kỳ. Và hơn nữa, quân đội Hy Lạp vốn nối tiếng với quá khứ độc tài. Như vậy, sử dụng cách này chỉ làm tình hình xấu hơn.
Hiếm có nước nào cần đến sự trợ giúp tài chính quốc tế lại liều lĩnh như Hy Lạp. Tuy nhiên, các nước eurozone muốn bảo vệ nguồn tài chính của mình để trợ giúp cho các nước khác, đặc biệt là Italia và Tây Ban Nha và do đó có thể buộc IMF rút lui. Viện trợ từ Mỹ cũng là khó khả thi với cuộc bầu cử khó khăn.
Hy Lạp có thể thử vận may ở một vài nước khác. Năm 2008, Iceland đã nhận được khoản trợ giúp lớn từ Nga để đổi lại cho phép Nga triển khai căn cứ quân sự ở nước này. Tuy nhiên, có vẻ như cả Nga và Trung Quốc đều không hào hứng với Hy Lạp.
Nguồn CafeF