Thứ Năm | 24/04/2014 15:57

Hy Lạp có thể được xóa nợ nhờ thành tích thặng dư ngân sách

Ủy ban châu Âu xác nhận Hy Lạp đã có thặng dư chính lần đầu tiên từ sau cuộc khủng hoảng của khu vực đồng euro.
Mặc dù Hy Lạp rất kỳ vọng rằng, việc đạt được thặng dư sẽ là khởi đầu cho các cuộc đàm phán xóa nợ mới nhưng các quan chức khu vực đồng euro cho biết sẽ không xóa toàn bộ số nợ của Hy Lạp. Hy Lạp chủ yếu nợ các ngân hàng chính phủ nên việc xóa bất kỳ khoản nợ nào cũng sẽ trực tiếp gây thiệt hại cho các chính phủ trong khu vực.

Thay vào đó, các quan chức khu vực dự kiến sẽ mở rộng thời gian đáo hạn đối với các gói cứu trợ tài chính và hạ thấp lãi suất chi trả. Mặc dù chính sách này không làm giảm tổng nợ nhưng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Hy Lạp trong việc trả nợ.

Simon O’Connor, phát ngôn của Ủy ban châu Âu, cho biết, năm 2013, thặng dư chính của Hy Lạp (không tính khoản trả lãi và các khoản tiền trả một lần khác) đạt 1,5 tỷ euro tương đương với 0,8% GDP. Ông O’Connor dự báo, cuộc đàm phán về việc xóa nợ cho Hy Lạp có thể sẽ bắt đầu vào cuối năm 2014.

Theo cách tính truyền thống về ngân sách chính của một quốc gia (thường không bao gồm các khoản lãi), Hy Lạp vẫn có thâm hụt là 8,7%. Tuy nhiên, ông O’Connor cho biết, Ủy ban Châu Âu cũng đã kéo dài thời gian thanh toán đối với một số khoản tiền trả 1 lần của Hy Lạp trong nỗ lực hỗ trợ đặc biệt cho các ngân hàng yếu kém của nước này. Đó là lý do tại sao, chính phủ Hy Lạp lại có thặng dư chính.

Jeroen Dijsselbloem, trưởng nhóm bộ trưởng tài chính của khu vực đồng euro, công khai rằng, trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán xóa nợ, ông sẽ đợi xác nhận từ phía Cục thống kê Eurostat về thặng dư chính của Hy Lạp.

Ông O’Connor nhận định, Hy Lạp đã có những thành công đáng kể trong việc điều chỉnh nguồn tài chính công kể từ năm 2010. Một quan chức Hy Lạp cho biết, chính phủ sẽ nâng cao vấn đề về tái cơ cấu nợ trong phiên họp của nhóm các nước châu Âu vào ngày 24/4.

Theo Bộ tài chính Hy Lạp, khoảng 70% thặng dư chính đã được phân bổ để chi trả cho các chi phí hiện tại chứ không phải là để xóa nợ.

Chính phủ Hy Lạp đã trích ra 524 triệu euro để thanh toán một lần cho các gia đình thu nhập thấp và người nghỉ hưu trước khi diễn ra cuộc bầu cử châu Âu vào tháng tới. Ngoài ra, 320 triệu euro cũng sẽ được dùng để bù lại khoản thâm hụt dự kiến của IKA - một tổ chức an sinh xã hội - trong năm 2014 sau khi Hy Lạp thỏa thuận với các ngân hàng quốc tế sẽ cắt giảm số tiền đóng góp cho người sử dụng lao động.

Khi cuộc khủng hoảng tại khu vực đồng euro lên đến đỉnh điểm, vấn đề về việc xóa thêm nợ đã khiến chương trình cứu trợ của Hy Lạp chuyển hướng. Tháng 11/2012, khi nhận thấy, nợ của Hy Lạp không còn bền vững, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo sẽ rút lại gói cứu trợ mà không xóa thêm bất kỳ khoản nợ nào.

Tuy nhiên, kể từ khi cuộc khủng hoảng dịu bớt, áp lực chính trị buộc các nước khu vực đồng euro phải xóa phần lớn nợ của Hy Lạp cũng giảm dần. Thỏa thuận được ký kết vào tháng 11/2012 yêu cầu các chủ nợ của Hy Lạp phải kéo giảm mức nợ của nước này xuống dưới 110% so với GDP vào năm 2022.

Mujtaba Rahman,trưởng chuyên gia phân tích của châu Âu tại công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group, cho rằng, cần phải có thỏa thuận chính trị mạnh mẽ hơn về phương pháp được sử dụng để tính toán cân bằng chính. Trong khi Hy Lạp tuyên bố có thặng dư thì con số thống kê của Eurostat lại cho thấy nước này có thâm hụt. Khi đó, các cuộc thảo luận tiếp theo về việc xóa nợ cho Hy Lạp sẽ có ảnh hưởng xấu.

Nguồn Gafin/ FT/ DVO


Sự kiện