Hy Lạp có nguy cơ thiếu điện do không đủ tiền trả nợ
Nguồn cung khí đốt hoàn toàn bị cắt đứt dẫn đến nguy cơ mất điện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực sản xuất, công nghiệp cũng như dịch vụ. Du lịch là ngành công nghiệp lớn nhất, chiếm gần 16% kinh tế Hy Lạp.
Là nước không có mỏ dự trữ dầu lớn, Hy Lạp phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu để sản xuất điện và vận hành lĩnh vực giao thông. Dầu chiếm khoảng 55% tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp của nước này trong khi khí thiên nhiên chiếm 11% trong năm 2008, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết.
Báo cáo ngày 7/6 của 2 nhà phân tích Nicolas Rivier và Vittoria Ferraris tại Standard & Poor’s cho thấy nhà máy sản xuất điện lớn nhất Public Power Corp SA (PPC) với các tài khoản chưa thanh toán tăng hơn 50% trong năm nay đang trên bờ vực phá sản. Hơn nữa, không thể thanh toán các khoản chi phí cũng khiến một số nhà máy điện khác đứng trước nguy cơ đóng cửa. Nguyên nhân là do tỷ lệ thất nghiệp tăng trong khi tiền lương giảm khiến người dân Hy Lạp không thể thanh toán các hóa đơn tiền điện.
Tuy nhiên, phát ngôn của nhà máy điện PCC Kimon Steriotis cho biết sẽ không cắt điện ngay vì nguồn cung từ các trạm đốt than và nhà máy thủy điện vẫn đủ đáp ứng. Các nhà máy điện trên các hòn đảo không kết nối với mạng lưới điện quốc gia cũng đủ nhiên liệu, đảm bảo nguồn cung trong mùa du lịch. Tuy nhiên, ông không bình luận gì về tình trạng vỡ nợ của công ty.
PPC, 51% cổ phần thuộc nhà nước, đang phải đối mặt với món nợ 4,85 tỷ euro do "tính thanh khoản thấp" và phải tái cấp vốn 525 triệu euro vào ngày 29/6, Giám đốc điều hành Arthouros Zervos cho biết trong cuộc nói chuyện với các nhà phân tích vào ngày 29/5.
Sự sụp đổ của ngành năng lượng làm tăng nguy cơ rời khu vực đồng euro của quốc gia nhập khẩu hầu hết dầu và khí đốt này. Việc cắt giảm năng lượng trong mùa nghỉ chính sẽ khiến suy thoái kinh tế của Hy Lạp thêm trầm trọng.
Hy Lạp đã đồng ý cải cách trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm cả việc mở cửa hơn thị trường điện, theo cam kết gói cứu trợ 110 tỷ euro nhận được vào tháng 5/2010 và gói viện trợ thứ hai 130 tỷ euro trong năm nay. Kế hoạch bán các nhà máy năng lượng và cắt giảm cổ phần nhà nước trong PPC được dự kiến thực hiện sau cuộc bầu cử.
Ngoài việc đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng, chính quyền Hy Lạp còn phải vật lộn với cuộc khủng hoảng xã hội đang đến gần do tỷ lệ thất nghiệp cao 22%, thiếu thực phẩm và thuốc men nhập khẩu, và có thể hết sạch tiền vào đầu tháng 7 tới.
Nguồn Bloomberg/DVT