Thứ Sáu | 26/10/2012 11:13

Hy Lạp cần thêm 30 tỷ euro để đối phó với khủng hoảng

Hy Lạp sẽ cần thêm 30 tỷ euro (39 tỷ USD) từ nay đến năm 2016, đồng thời cần được gia hạn 2 năm để hoàn thành các mục tiêu ngân sách.
Nhận định trên được đưa ra hôm qua 25/10, trong cuộc thảo luận chi tiết đầu tiên của các quan chức tài chính cấp cao châu Âu nhằm tìm kiếm biện pháp ngăn ngừa khu vực đồng tiền chung eurozone tan rã.

Trong cuộc họp hôm qua, các quan chức cấp cao từ 17 nước eurozone đã cùng nhau xem xét những số liệu mà bộ ba chủ nợ của Hy Lạp, bao gồm IMF, ECB và Ủy ban châu Âu (EC) thu nhận được. Cuộc họp lần này cũng là một cơ hội giúp các nhà hoạch định chính sách châu Âu tìm kiếm giải pháp nhằm đưa chương trình cứu trợ Hy Lạp trở về đúng quỹ đạo dự kiến trước đó.

Theo các quan chức châu Âu, nếu bổ sung cứu trợ cho Athens, khối nợ của Hy Lạp đến năm 2020 sẽ chiếm khoảng 140% sản lượng kinh tế hàng năm. Điều này đồng nghĩa cam kết nợ chiếm 120% sản lượng kinh tế mà Athens đã ký với các chủ nợ trong gói cứu trợ hồi tháng 2 sẽ không thể thực hiện được.

Chính vì vậy, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tiếp tục thúc giục các nước eurozone và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) xóa bỏ một phần nợ cho chính phủ Hy Lạp. Tuy nhiên, lời đề nghị này không nhận được sự đồng thuận của hầu hết các nước eurozone, các quan chức châu Âu cho biết.

Trước đó, bộ ba chủ nợ và chính quyền Athens đã mất nhiều tuần thảo luận về chương trình cắt giảm chi tiêu, tăng thuế và cải tổ kinh tế trị giá 13,5 tỷ euro của Hy Lạp.

Trái ngược với những tháng trước, hầu hết các nước eurozone trong cuộc họp lần này đều bày tỏ mong muốn Hy Lạp tiếp tục ở lại eurozone. Các quốc gia cũng nhất trí rằng phải đến năm 2016, thay vì 2014 như thỏa thuận trước đó, Hy Lạp mới có thể tạo ra thặng dư ngân sách 4,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), một quan chức châu Âu cho biết. Trước đó, trong dự thảo các biện pháp cắt giảm ngân sách và cải tổ sẽ thực hiện trong năm tới, Hy Lạp cũng đề cập tới việc được gia hạn thêm thời gian thực hiện chương trình ngân sách.

Cũng trong cuộc họp hôm qua, các quan chức tham gia đã đệ trình bản danh sách 15 gợi ý giúp Hy Lạp bù đắp lỗ hổng tài chính 30 tỷ euro. Những lựa chọn này bao gồm cắt giảm lãi suất, dồn tiền để tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng, đồng thời sẽ được xóa nợ khoảng 53 tỷ euro viện trợ song phương từ các nước eurozone.

Mặc dù vậy, các quan chức cũng nhấn mạnh có rất ít sự đồng thuận đối với những đề xuất này, trong khi những đề xuất được chấp nhận lại không đủ đề bù đắp 30 tỷ euro mà Hy Lạp cần thêm.

"Một số đề xuất không có đủ sự đồng thuận chính trị, điển hình như việc các chủ nợ không muốn xóa một số khoản nợ cho Hy Lạp", một quan chức cho biết.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách eurozone đều nhất trí rằng câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào để giải ngân 31,5 tỷ euro cho Hy Lạp phải được đưa ra trước ngày 16/11, thời điểm Athens phải thanh toán nợ trái phiếu nhưng không có khả năng thanh toán nếu không được viện trợ.

Trong suốt 2 năm qua, Hy Lạp liên tục gặp bế tắc trong thực hiện chương trình thắt lưng buộc bụng, trong khi những bất ổn chính trị liên tiếp đã đẩy nền kinh tế vào tình trạng tồi tệ hơn. Trong tháng 5 và tháng 6, Hy Lạp phải trải qua 2 lần bầu cử mới thành lập được chính phủ mới.

Theo các nhà phân tích, những bất ổn chính trị cùng sự trì hoãn trong chương trình cắt giảm chi tiêu và cải tổ kinh tế khiến suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn dự kiến, đồng thời khiến Athens gặp nhiều khó khăn hơn để nhận được cứu trợ từ các nước.

Nguồn WSJ/Khampha


Sự kiện