Thứ Tư | 25/07/2012 08:34

Hy Lạp cần tái cơ cấu nợ hơn nữa

Hy Lạp có thể không trả được nợ và phải tái cơ cấu nợ thêm, theo 3 quan chức Liên minh châu Âu (EU) phát biểu ngày 25/7.
Các thanh tra Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), hay còn gọi là nhóm bộ ba, đã tới Athens ngày 24/7, và sẽ hoàn tất nghiên cứu độ ổn định nợ tháng tới, tuy nhiên các nguồn tin trên cho biết kết luận báo cáo đã khá rõ ràng. Kết cục nhiều khả năng là Hy Lạp chệch hướng khá xa, và kết quả nghiên cứu ổn định nợ sẽ khá tồi tệ, một quan chức cho biết.

Điều này đồng nghĩa, các chủ nợ của Hy Lạp, ECB và các chính phủ khu vực đồng euro có thể phải xóa 1 phần trong khoản nợ ước tính 200 tỷ euro của chính phủ Hy Lạp.

Một quan chức khác dẫn chứng dự báo tăng tưởng mới nhất của Athens là kinh tế Hy Lạp giảm 7% năm nay, chứ không giảm 5% như dự báo trước đó. Điều này đồng nghĩa gánh nặng nợ trên GDP tăng. Các quan chức cho rằng, suốt 3-4 tháng qua Hy Lạp không làm gì cải thiện, đề cập tới sự chậm trễ do 2 cuộc bầu cử tổ chức hồi tháng 5,6.

Bên cạnh đó, theo 1 nghiên cứu kỹ thuật công bố tuần trước và chia sẻ với ECB của IMF, có đề cập tới những lập luận ủng hộ việc ECB tái cơ cấu các khoản nợ Hy Lạp mà họ nắm giữ. Tuy nhiên báo cáo này không nói rõ ràng ECB nên làm như vậy. Theo IMF, việc chấp nhận các khoản lỗ từ món nợ Hy Lạp có thể giúp chương trình cứu trợ quay trở lại đúng hướng.

Theo các điều khoản cứu trợ, Hy Lạp cam kết giảm chi tiêu hơn nữa và tăng thuế nhằm đổi lấy 100 tỷ euro giảm nợ. Tái cơ cấu bao gồm việc các chủ nợ trái phiếu chính phủ Hy Lạp chấp nhận lỗ tới 70%, nhằm giảm tỷ lệ nợ từ 160% GDP xuống dưới 120% GDP tới 2020.

Tuy nhiên, các quan chức cho biết Hy Lạp còn xa mới đạt được mục tiêu 2020. Điều này có thể dẫn tới kết cục IMF quyết định rút ra khỏi chương trình giải cứu thứ 2 do Hy Lạp không đáp ứng được mục tiêu, và khiến ECB và các nước thành viên phải một mình gánh chịu hậu quả.

Nếu điều này xảy ra, cách duy nhất cứu và giữ Hy Lạp ở lại khu vực đồng euro (eurozone) là ECB và các nước thành viên phải xóa một phần nợ cho Hy Lạp, hay thay đổi thời hạn và lãi suất trả nợ cho nước này.

Tới nay, chưa có cuộc thảo luận chính thức nào về vấn đề này, tuy nhiên có 2 khả năng xảy ra: hoặc ECB xóa khoảng 40 tỷ euro nợ cho Hy Lạp, hoặc các nước thành viên nới lỏng điều kiện nợ cho Hy Lạp. Tuy nhiên, các quan chức Reuters phỏng vấn liệt kê 6 nước thành viên phản đối cho Hy Lạp thêm thời gian.

Những điều này có thể khiến tranh luận về việc Hy Lạp có thể ở lại eurozone trong dài hạn hay không nóng trở lại.

Nguồn Reuters/ Khampha


Sự kiện