Hy Lạp cải tổ mạnh nội các
Ngày 17/7, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã tiến hành cải tổ chính phủ, một ngày sau khi xảy ra vụ phản đối lớn ngay trong nội bộ đảng Syriza cầm quyền liên quan đến thỏa thuận cứu trợ tài chính với những biện pháp cải cách khắc khổ.
Trong lần cải tổ này, Thủ tướng Tsipras đã cách chức 10 thành viên nội các, trong đó có những người bỏ phiếu phản đối các biện pháp cải cách khắc nghiệt mà các chủ nợ quốc tế đã đưa ra để đổi lấy gói cứu trợ mới cho Athens. Điển hình trong số này là Bộ trưởng Năng lượng Panagiotis Lafazanis, người đứng đầu phe có đường lối cứng rắn trong đảng Syriza và từng yêu cầu Athens rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Thay thế cho ông Lafazanis là Bộ trưởng Lao động Panos Skourletis, một đồng minh thận cận của ông Tsipras. Ngoài ra, trong danh sách các quan chức bị Thủ tướng Tsipras cách chức còn có tên Bộ trưởng Tài chính và Ngoại giao (những người đã từ chức trước đó), và người phát ngôn của chính phủ Gavriel Sakellarides. Dự kiến, các thành viên mới trong nội các vừa được cải tổ sẽ nhậm chức trong ngày 18/7.
Trước đó, rạng sáng 16/7, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua dự luật về những biện pháp cải cách khắc khổ theo yêu cầu của các chủ nợ nhằm đổi lấy gói cứu trợ mới trị giá 86 tỷ euro (94 tỷ USD). Dự luật được thông qua với 229 phiếu thuận, 64 phiếu chống và 6 phiếu trắng, sau một cuộc tranh luận căng thẳng.
Đáng chú ý, trong số những người bỏ phiếu chống và phiếu trắng có tới 38 thành viên của đảng Syriza cầm quyền như Bộ trưởng Năng lượng Lafazanis, cựu Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis. Điều này cho thấy hiện đang có sự chia rẽ lớn trong đảng cầm quyền đối với việc thực thi các biện pháp "thắt lưng buộc bụng".
Hy Lạp tiến hành cải tổ nội các chỉ vài giờ sau khi Liên minh châu Âu (EU) thông qua khoản cứu trợ ngắn hạn trị giá 7,16 tỷ euro (7,8 tỷ USD) cho Hy Lạp, để giúp nước này trả các khoản vay lớn cho các chủ nợ quốc tế vào đầu tuần tới. Trong khi đó, gói cứu trợ thứ 3 cho "xứ sở thần thoại" đang chờ được Quốc hội các nước thành viên Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thông qua để có thể được tiến hành thảo luận cho tiết.
Nguồn Tin tức