Hy Lạp bị hạ xếp hạng tín nhiệm
Quyết định được đưa ra sau khi Hy Lạp gặp nhiều trục trặc trong quá trình đàm phán nợ với các chủ nợ châu Âu và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từ chối hỗ trợ tân chính phủ nước này. S&P cho rằng, Hy Lạp rất có thể sẽ không đạt được thỏa thuận với châu Âu nhằm giảm gánh nặng nợ và thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ hàng trăm tỷ euro.
Theo đó, S&P hạ 1 bậc xếp hạng tín nhiệm của Hy Lạp xuống B- (mức rủi ro cao). Mới đây, Moody's cũng tuyên bố đặt Hy Lạp vào diện hạ xếp hạng xuống mức Caa1.
S&P nhận định, Hy Lạp còn rất ít thời gian để đàm phán về chương trình cấp vốn mới với châu Âu do những trở ngại về thanh khoản đang ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống ngân hàng và nền kinh tế Hy Lạp. Mặt khác, những cuộc đàm phán dai dẳng với chủ nợ sẽ tạo nhiều sức ép lên hệ thống tài chính Hy Lạp, với kịch bản tồi tệ nhất là nước này sẽ phải rời khỏi Eurozone.
Trong khi đó Moody's cho rằng, nếu không thể đạt được thỏa thuận với các chủ nợ châu Âu trong vài tuần tới, chính phủ Hy Lạp sẽ phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ trái phiếu (của lĩnh vực tư nhân) rất cao.
Hiện nay, Hy Lạp và các chủ nợ lớn ở châu Âu vẫn đang bất đồng quan điểm về yêu cầu đàm phán lại điều khoản trong gói cứu trợ 240 tỷ euro với Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế. Gói cứu trợ của EU với Hy Lạp sẽ hết hạn vào ngày 28/2 tới đây. Trong khi đó, ECB mới tuyên bố sẽ không trực tiếp cấp vốn cho các ngân hàng nước này thông qua chương trình mua trái phiếu chính phủ.
Theo S&P, hệ thống ngân hàng Hy Lạp đang đối mặt với nhiều bất ổn khi người dân liên tục rút vốn ồ ạt, môi trường đầu tư suy yếu, nguồn thu thuế giảm mạnh.
Nguồn DVO/ Business Insider