Vaccine Sputnik V được phát triển bởi Viện Gamaleya, do Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga cung cấp. Nguồn ảnh: AFP.
"Huy chương vàng" trong cuộc đua vaccine liệu có thật sự thuộc về Nga?
"Huy chương vàng" của Nga trong cuộc đua vaccine
Theo Live Science, trong cuộc chạy đua toàn cầu về vaccine COVID-19, Nga tuyên bố họ vừa giành huy chương vàng. Tuy nhiên, các nhà khoa học và các quan chức y tế công cộng nghi ngờ về tuyên bố hôm thứ ba 11.8 của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng vaccine tiềm năng của nước này đối với virus Corona “hoạt động khá hiệu quả”.
Các nhà khoa học lo lắng rằng còn quá sớm để biết liệu họ có nhìn thấy “viên đạn bạc” ngừa COVID-19 bởi lẽ, loại vaccine này vẫn cần được thử nghiệm quan trọng để xác định xem nó có an toàn và hiệu quả hay không.
Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo: “Cuộc chạy đua tìm kiếm vaccine chống lại COVID-19 không phải lúc nào cũng đặc biệt gây ấn tượng, đôi khi được thúc đẩy bởi cái gọi là "chủ nghĩa dân tộc vaccine". Trước kỳ vọng toàn cầu về việc trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch, bất kỳ loại vaccine nào cũng có thể giống như ánh sáng cuối đường hầm.
Trong nỗ lực đưa nước Nga trở lại thời kỳ vinh quang của nền khoa học, các chuyên gia cảnh báo rằng tuyên bố vội vàng của ông Putin như một canh bạc. Nếu canh bạc thất bại, thì hậu quả mang lại những hệ lụy tàn khốc không chỉ trong biên giới Nga mà còn đối với sức khỏe toàn cầu.
Nga đã đặt tên cho loại vaccine mới được phê duyệt là "Sputnik V", ám chỉ vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới được phóng lên quỹ đạo vào năm 1957 trong cuộc chạy đua không gian. Nỗ lực phát triển vaccine COVID-19 trên toàn thế giới là một "cuộc chạy đua" tương tự và khi công bố sự chấp thuận của Sputnik V, Tổng thống Vladimir Putin về cơ bản đã tuyên bố Nga là nước đi đầu.
Một kỹ thuật viên làm việc trên Sputnik 1, năm 1957. Nguồn ảnh: UIG. |
Tuy nhiên, Hiệp hội các tổ chức thử nghiệm lâm sàng của Nga cho biết: "Việc phê duyệt nhanh chóng sẽ không khiến Nga trở thành nước dẫn đầu trong cuộc đua vaccine, nó chỉ khiến người tiêu dùng vaccine gặp nguy hiểm không cần thiết”.
Theo Tiến sĩ Ali Nouri - Chủ tịch Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, việc triển khai nhanh chóng và đặt tên vaccine theo tên vệ tinh nổi tiếng của Moscow cho thấy rõ ràng niềm tự hào dân tộc là cốt lõi của bước đột phá gây tranh cãi về “sự quay lại những ngày vinh quang của Nga”.
Mặc dù, vaccine có thể ban đầu là về sức khỏe, nhưng việc triển khai nhanh chóng và vội vàng còn có những mục đích khác. Tiến sĩ Ali Nouri nói rằng: “Hôm nay, đối với Nga, ứng cử viên vaccine này đã trở thành Cuộc đua Không gian mới”. Thông báo về vaccine của Tổng thống Putin “đặt chính trị lên trước khoa học và y học” như một phần trong nỗ lực đưa Nga trở lại vị thế siêu cường thế giới.
Tiến sĩ Ali Nouri khẳng định: “Rõ ràng rằng bất kỳ quốc gia nào sản xuất vaccine khả thi đầu tiên sẽ giúp họ có được quyền lực mềm trên phạm vi toàn cầu”. Cụ thể, những nỗ lực của Mỹ trong việc phát triển và phân phối vaccine đậu mùa trong những năm 1950 và gần đây là vụ bùng phát Ebola như những ví dụ về cách thức lãnh đạo trong việc chữa khỏi bệnh sẽ chứng tỏ lợi ích trên toàn cầu, bên cạnh những lợi ích hữu hình của việc chữa khỏi bệnh tật.
Chủ tịch Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, ông Ali Nouri cho rằng: “Việc đóng góp viện trợ trong các cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới sẽ giúp ích cho hình ảnh của Mỹ và quyền lực mềm của Mỹ. Và đương nhiên điều đó tốt cho nước Mỹ. Vì vậy, ý định của Nga trong trường hợp này là như nhau”.
Công chúng có do dự về một loại vaccine thực sự hiệu quả?
Từ lâu, các chuyên gia luôn cảnh giác với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump có khuynh hướng chính trị hóa khoa học.
Một số chuyên gia đang theo dõi chặt chẽ phản ứng của ông Trump trước thông báo của Nga. Nguồn ảnh: Reuters. |
Nhiều chuyên gia lo ngại sự nghiêm ngặt trong việc tìm kiếm vaccine của người Mỹ có thể bị hủy hoại bởi áp lực chính trị từ cấp trên. Đáp lại thông báo của ông Putin, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar đã bác bỏ mọi ý kiến cạnh tranh. Ông Alex Azar cũng nhắc lại cam kết của chính phủ liên bang Mỹ là không tung ra một sản phẩm chưa được kiểm tra.
Loại vaccine Sputnik V của Nga dường như cũng phải đối mặt với một rào cản khó khăn khi giành được sự chấp thuận của WHO trước khi tổ chức y tế quốc tế này mua hoặc giới thiệu cho các quốc gia khác. Trong cuộc họp báo 11.8, Tiến sĩ Jarbas Barbosa, trợ lý giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ cho biết: “Bạn không thể sử dụng vaccine hoặc các loại thuốc mà không tuân thủ tất cả các giai đoạn”.
Phát triển, thử nghiệm và xem xét bất kỳ loại vaccine tiềm năng nào là một nỗ lực lâu dài, phức tạp và tốn kém. Quy trình này thường mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Việc phát triển vaccine nhanh nhất từ trước đến nay là cho bệnh quai bị. Dù là nhanh nhất nhưng cũng phải mất hơn 4 năm vaccine quai bị mới được cấp phép vào năm 1967.
Các quan chức Nga đã bày tỏ hy vọng rằng phản ứng kháng thể mà vaccine Sputnik V tạo ra có thể kéo dài đến 2 năm, mặc dù thiếu bằng chứng mạnh mẽ để chứng minh điều đó. Trên thực tế, có rất ít bằng chứng về việc kháng thể chống lại virus Corona tồn tại trong cơ thể bao lâu, hoặc khả năng bảo vệ mà chúng mang lại trong bao lâu.
Có một nguy cơ là vaccine có hiệu quả một phần sẽ mang lại cho các chính phủ và người dân cảm giác hy vọng sai lầm rằng đại dịch sắp kết thúc. Điều này có thể dẫn đến việc rút lui vội vàng các biện pháp trấn áp đại dịch COVID-19.
Ông Mattew Schmidt chuyên gia tại Đại học New Haven, Mỹ cho rằng: Một loại vaccine tồi có thể khuyến khích tỉ lệ do dự của công chúng đối với vaccine thực sự hiệu quả sau này.
Ông Mattew Schmidt cho rằng: “Vấn đề với bất kỳ loại vaccine nào của Nga là cách nó được thử nghiệm làm suy yếu niềm tin của công chúng vào nó. Ngay cả khi nó hoạt động, nó chưa chắc đã được áp dụng rộng rãi ở phần còn lại của thế giới. Những lo ngại rằng vaccine không an toàn thậm chí có thể thúc đẩy phong trào chống lại vaccine, làm gia tăng số lượng người từ chối tiêm chủng và suy nghĩ không tốt của công chúng về một loại vaccine đang được mong chờ”.
Có thể bạn quan tâm:
► Tổng thống Nga công bố vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới